Việt Nam dẫn đầu chuyển đổi năng lượng xanh tại ASEAN

NĂNG LƯỢNG asean
18:15 - 06/06/2022
Trang trại điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: AFP
Trang trại điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Theo đánh giá của The Economist, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong các nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng xanh, trong bối cảnh các quốc gia khác trong khu vực không có vẻ mặn mà với việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Do đặc điểm địa lý, Đông Nam Á là một trong những khu vực trên thế giới dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu nhất. Tuy nhiên theo The Economist, khu vực đang phát triển nhanh chóng này không có vẻ “quan tâm nhiều đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch”. Dù vậy, Việt Nam được đánh giá nổi bật trong khu vực như là một “bài học” mà các quốc gia còn lại có thể học tập.

Việt Nam dẫn đầu khu vực với các chỉ số chuyển đổi năng lượng ấn tượng. Trong 4 năm kể từ từ 2017 đến 2021, tỷ trọng điện năng được sản xuất bằng năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng lên gần 11%. Chỉ trong vòng 3 năm từ 2019, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện sản xuất từ các nguồn năng lượng thay thế như gió và mặt trời.

Theo The Economist, đây không chỉ là tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu trên thế giới mà còn là một tỷ trọng thậm chí còn lớn hơn cả các nền kinh tế phát triển như Pháp hoặc Nhật Bản. Đến năm cuối năm 2021, Việt Nam tiếp tục trở thành nước sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới, càng nhấn mạnh hơn nữa vào các cam kết chuyển đổi xanh của chính phủ.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Quốc gia Australia cho thấy những “thành tích phi thường” này là kết quả ưu việt của ý chí chính trị và các động lực thị trường. Nhằm tạo điều kiện cho ngành này phát triển, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà cung cấp năng lượng mặt trời mức cố định lên tới 9,35 US cent cho mỗi kilowatt/h được cung cấp vào lưới điện quốc gia. Mức phí này tương đối hào phóng so với con số trung bình từ 5 cents tới 7 cents của thế giới.

Như một kết quả tất yếu, hơn 100.000 tấm pin mặt trời đã được lắp đặt trên các mái nhà tại Việt Nam trong năm 2019 và 2020, nâng tổng công suất năng lượng mặt trời lên con số khổng lồ 16 gigawatt.

Thêm vào đó, cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam dễ dàng hơn cũng đã giúp ích nhiều. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt so với các quốc gia khác trong khối ASEAN khi các tập đoàn nước ngoài bị mắc kẹt trong các thủ tục hành chính phức tạp và phải cạnh tranh với các tập đoàn nội địa vốn được hưởng nhiều trợ cấp.

Một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế kể cả khi ngừng sử dụng than đá. Ảnh: Reuters

Một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế kể cả khi ngừng sử dụng than đá. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn đạt được mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chính phủ sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo công ty tư vấn Dezan Shira, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua, nhưng phần lớn trong số đó vẫn được tạo ra bởi than. Thêm vào đó, tổ chức tư vấn về năng lượng Ember cho biết tỷ lệ điện tạo ra bởi năng lượng bẩn cũng đã tăng từ 33% lên 51% vào năm 2021.

Một vấn đề khác quan trọng hơn là chính phủ cũng cần phải đảm bảo rằng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 5% tới 7% mỗi năm kể cả khi ngừng sử dụng than đá. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần tăng cường năng lượng gió và mặt trời một cách vô cùng nhanh chóng qua từng năm. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể để đạt được điều này vẫn chưa được công bố.

Trên hết, các nhà quy hoạch cũng cần xem xét việc mở rộng và nâng cấp lưới điện trên phạm vi toàn quốc để giải quyết phần nào tính chất thiếu ổn định của nguồn điện do năng lượng tái tạo cung cấp. Do việc nâng cấp mạng lưới điện đòi hỏi một nguồn tiền đầu tư khổng lồ, chính phủ sẽ phải tìm kiếm sự trợ giúp từ khu vực đầu tư tư nhân.

Đọc tiếp

Điểm sáng kinh tế ASEAN

Điểm sáng kinh tế ASEAN

ASEAN vẫn giữ được phong độ là một trong các khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới trong bối cảnh đầy ám ảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Bức tranh chuyển đổi xanh của ASEAN

Bức tranh chuyển đổi xanh của ASEAN

Trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng khí hậu toàn cầu, ASEAN đứng trước bài toán vừa nắm bắt thời cơ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và vạch ra lộ trình tăng trưởng xanh, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.