Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu 2023 trên 6,5%

XUẤT KHẨU BỘ CÔNG THƯƠNG
21:54 - 31/01/2023
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp biến động về kinh tế, chính trị còn diễn ra trên thế giới, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 6,5% trở lên.

Sáng 31/1, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là hội nghị giao ban thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2021 và là hội nghị giao ban đầu tiên của năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả kỷ lục với tổng kim ngạch đạt hơn 730 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với thặng dư đạt hơn 11,2 tỷ USD.

Bước sang năm 2023, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu từ 6,5% trở lên.

Tuy nhiên, dự báo năm nay thách thức vẫn còn nhiều: Cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang còn gay gắt, cạnh tranh thương mại diễn biến phức tạp, thị trường khó khăn. Tổng cầu thế giới có xu hướng giảm, năng lực sản xuất của Việt Nam lại lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu (phần lớn là nhập khẩu). Đứt gãy nguồn năng lượng khi châu Âu tiếp tục đặt lệnh trừng phạt lên Nga, dẫn tới việc nguồn cung dầu lửa, khí đốt của thế giới sẽ giảm, nguồn cung phục vụ các nước trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức.

Ảnh tác giả

Tình hình thế giới cả về chính trị và kinh tế đều diễn biến phức tạp. Lạm phát tăng cao, tổng cầu tiếp tục giảm, nguồn cung về năng lượng, nguyên liệu đang bộc lộ đứt gãy ở nhiều thị trường, khu vực. Với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trước tình hình này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2023, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chức năng cần đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực ngành hàng; nghiên cứu, tham mưu chính sách cho các cơ quan, tổ chức thực thi.

Trong đó, hệ thống thương vụ tại nước ngoài cần nắm bắt các chính sách, rào cản mới của các nước sở tại (bao gồm cả chính trị và kinh tế), từ đó để cơ quan chức năng trong nước có thể đưa ra các chính sách phù hợp, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp. Hệ thống thương vụ cũng cần chú trọng đến việc xúc tiến đầu tư, đặc biệt tại các lĩnh vực tính chất nền tảng như công nghiệp vật liệu, hỗ trợ, chế tạo, điện tử….

Đồng thời, thực hiện phương châm giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách như Tây Á, châu Phi, Mỹ Latinh…

Đối với các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước cần thay đổi tư duy, sản phẩm làm ra phải có “địa chỉ”, nghĩa là phải đáp ứng các tiêu chí thị trường chứ không phải sản xuất theo thói quen.

Cập nhật thông tin về các thị trường chính với doanh nghiệp xuất khẩu

Trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hơn với các thị trường nhập khẩu, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, hiện nay nước này có xu hướng dùng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình, dùng sản phẩm thay thế thịt, các sản phẩm bảo vệ môi trường và các sản phẩm tốt cho sức khoẻ như sản phẩm organic...

Do vậy, để tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm của doanh nghiệp ngoài chất lượng, hương vị ngon còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết.

Tại thị trường Mỹ, vấn đề khởi xướng phòng vệ thương mại là vấn đề được lưu tâm nhất. Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, tính đến tháng 12/2022, thị trường này đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa của Việt Nam với tổng 52 vụ. Các sản phẩm bị điều tra đa dạng, từ hàng hóa nông – lâm- thủy sản (gỗ, cá tra, tôm...) đến các sản công nghiệp (thép, máy cắt cỏ…). Doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Đối với khu vực ASEAN, Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho nhu cầu thiết yếu như trứng, gạo… nên quan tâm kết nối với hệ thống phân phối để gia tăng xuất khẩu. Tại Myanmar, tình hình kiểm soát tại thị trường này ngày càng chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp Mynamar gặp khó khăn, doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng trong giao dịch, sử dụng các phương thức thanh toán an toàn.

Tại khu vực EU, doanh nghiệp cần cảnh giác với nạn lừa đảo tại Italy, một số hình thức lừa đảo diễn ra tại thị trường này như công ty Italy đặt cọc, nhận hàng và không trả tiền cho doanh nghiệp Việt Nam; công ty Việt Nam đã đặt cọc nhưng doanh nghiệp Italy không giao hàng…

Tại thị trường Nhật Bản, thị trường này có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng có tính ổn định, lâu dài. Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo chất lượng sản phẩm; đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng. Doanh nghiệp nên hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.

Tại thị trường Nga, theo Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện nay tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine có những diễn biến rất khó lường. Khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương cần tiến hành tìm hiểu/kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ). Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.

Đọc tiếp