Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng sắp tới

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
19:47 - 18/05/2022
Tại tọa đàm ''Tiết kiệm năng lượng - giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng điện mùa nắng nóng''.
Tại tọa đàm ''Tiết kiệm năng lượng - giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng điện mùa nắng nóng''.
0:00 / 0:00
0:00
Đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong mùa nắng nóng luôn là thách thức lớn, vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được coi là giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay.

Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sau đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các hoạt động dịch vụ, du lịch quay trở lại hoạt động bình thường, thậm chí mạnh hơn so với trước thời điểm dịch bệnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là trong mùa nắng nóng sắp tới, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Nhận định này được đưa ra tại tọa đàm ''Tiết kiệm năng lượng - giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng điện mùa nắng nóng'' do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 18/5.

Về dài hạn, nguy cơ thiếu điện là khá lớn

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, du lịch và dịch vụ đang phục hồi, chuỗi sản xuất công nghiệp cũng sẽ phục hồi, do đó cần đưa ra kịch bản tăng trưởng điện năng 8 - 12% vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung, trong khi nền tảng truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu đủ từ miền Trung ra miền Bắc. Bên cạnh đó, việc sản xuất than, dầu khí nội địa cho sản xuất điện đang gặp nhiều khó khăn, chi phí đắt đỏ, thị trường quốc tế giá cao, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn nên thường chọn xuất khẩu. Do đó, nếu không có vai trò Nhà nước ở đây sẽ không thể kiểm soát được chi phí sản xuất điện.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh phát biểu tại Tọa đàm.

“Việc thiếu nguồn năng lượng sơ cấp hy vọng sẽ được giải quyết trong ngắn hạn, khi EVN và Bộ Công thương phối hợp giải quyết, nhưng về dài hạn, nguy cơ thiếu điện là khá lớn”, ông Sơn nhận định.

Cùng bàn về nguy cơ thiếu điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, tính đến hết quý I/2022, điện đã tăng trưởng 7,3%, gần gấp đôi so với năm 2020 nhưng do biến động thời tiết nên tăng trưởng tháng 4/2022 thấp (6,3%) so với quý I/2022.

Đáng chú ý, lượng điện ở TP HCM tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó giá than khoảng 270 USD/tấn, gấp 3 lần so với năm ngoái; giá xăng dầu, khí cũng tăng lên do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Vì vậy, chi phí đầu vào đang là thách thức với vận hành hệ thống điện của EVN.

Mặc dù công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á, nhưng nguồn này sẽ bị ảnh hưởng khi thời tiết biến động. Có nhiều ngày mặt trời hay gió không phát huy được, và tùy từng vùng cũng như từng thời điểm mà mức bức xạ cũng khác nhau. Chẳng hạn như ngày 19/3, thời điểm này toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW được phát trên hệ thống điện. Đây là những tính chất đặc biệt và bất định của năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Tuy nhiên, cần khẳng định thời gian qua, năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt trong đảm bảo nguồn cung điện trong nước.

Cũng theo lãnh đạo EVN, phương thức vận hành hệ thống điện đã và đang chuyển đổi mạnh nên nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt càng ngày càng cao khiến công suất tiêu thụ điện lập kỷ lục mới. Hay nói cách khác, thành phần sinh hoạt đang quyết định giờ cao điểm tiêu thụ điện năng.

“Từ khi điện mặt trời và điện gió tham gia vào hệ thống điện, giờ cao điểm đã bị lệch so với thời điểm trước. Nếu như trước đây, khung giờ cao điểm trưa từ 11 giờ - 13 giờ, thì hiện khung giờ cao điểm đã lệch sang từ 14 - 16 giờ. Đồng thời, xuất hiện thêm các khung giờ cao điểm từ 17 -19 giờ và 20 giờ 30 phút - 22 giờ”, ông Võ Quang Lâm cho biết.

Giải bài toán nguồn cung điện trong thời gian tới

Đề xuất giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đảm bảo cung ứng điện đầy đủ trong mùa nắng nóng, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đang tập trung vào 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất về vận hành, trong quý IV/2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), các nhà máy điện thuộc tập đoàn, đồng thời đề nghị đối tác, nhà máy điện BOT, nhà máy điện lọc dầu rà soát, đảm bảo việc sửa chữa xong trong quý I/2022 để đảm bảo lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất. Cùng với đó, rà soát lưới điện của các địa phương, đảm bảo được sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý I/2022.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu tại Tọa đàm.

Thứ hai, đối với nhóm nguồn điện bổ sung, trong bối cảnh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện: Kịch bản 1 - ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; Kịch bản 2 - ở mức 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỷ kWh.

Về giải pháp dài hạn, EVN cũng xây dựng các kịch bản để tìm kiếm thêm nguồn điện mới, đảm bảo cung ứng điện, nhất là ở miền Bắc như tăng cường hệ thống truyền tải Bắc - Nam, đảm bảo hành lang tuyến không để xảy ra sự cố về điện trong mùa nắng nóng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mua điện từ Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng.

Theo ông Võ Quang Lâm, giữa tháng 4 vừa qua, EVN đã đóng điện trạm biến áp 220kV Tương Dương nối lưới với nước bạn Lào; với các dự án nối lưới với Trung Quốc, EVN cũng tăng cường giải tỏa công suất, để nhập khẩu thêm điện từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp về nguồn cung, các chuyên gia vẫn đề cao giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng năng lượng của người dân, doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng Bộ Công Thương nên cân nhắc sớm việc đề xuất Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; cần có những cam kết cao hơn từ doanh nghiệp, người dân”, ông Hà Đăng Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Ủy viên Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho rằng, về phía các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt là đưa chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm vào kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và trong từng giai đoạn của các địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp