Việt Nam đứng đầu ASEAN về tỷ lệ mở rộng FDI của Nhật Bản

JETRO Việt nAM
16:13 - 19/01/2022
39 doanh nghiệp Nhật Bản công bố sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Ảnh: Internet
39 doanh nghiệp Nhật Bản công bố sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao Việt Nam về tiềm năng thị trường, chính trị, xã hội ổn định, chất lượng nhân sự cao, chi phí nhân công rẻ…Năm 2022, có đến 55,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

54,3% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam báo lãi trong năm 2021

Tại buổi Họp báo công bố kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhật bản tại châu Á và châu Đại Dương năm tài chính 2021”, ngày 19/1, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại Việt Nam cho biết, triển vọng lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2021 được đánh giá khả quan.

Tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2021 là 54,3% (tăng 4.7 điểm so với năm 2020). Trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ chiếm 28,6% (giảm 1.5 điểm).

Khảo sát được tiến hành với 4.635 doanh nghiệp trong đó các doanh nghiệp ở Việt Nam là 1.883 doanh nghiệp, phân bố đều trên các lĩnh vực. Thời gian diễn ra từ 25/8 – 24/9, trùng với thời gian Việt Nam thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nên kết quả sẽ không tích cực bằng những cuộc khảo sát trước.

Khảo sát thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhật bản tại châu Á và châu Đại Dương năm tài chính 2021
Khảo sát thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhật bản tại châu Á và châu Đại Dương năm tài chính 2021

Theo ông Takeo Nakajima, khu vực Châu Á, Châu Đại Dương có tỷ lệ các doanh nghiệp có lãi trong năm 2021 phục hồi theo hình chữ V. Mặt khác, tại Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của COVID-19 nên phạm vi phục hồi nhỏ.

Nhìn vào dự báo lợi nhuận kinh doanh theo ngành nghề của các doanh nghiệp tại Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp có lãi trong ngành chế tạo là 57.5% (tăng 6.7 điểm so với năm trước), ngành phi chế tạo là 51.5% (tăng 3.3 điểm). Lĩnh vực chế biến chế tạo không có sự chênh lệch nhiều về tỷ lệ doanh nghiệp có lãi nhưng ở lĩnh vực phi chế tạo thì tỷ lệ này khá lớn, đặc biệt là ngành du lịch và nhà hàng.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh theo vùng, ông Takeo Nakajima cho biết có sự chênh lệch giữa các khu vực do ảnh hưởng của các biện pháp đối phó dịch bệnh COVID-19. Lợi nhuận kinh doanh tại khu vực miền Bắc đạt mức tương đối cao còn tại miền Nam và miền Trung xấu đi rõ rệt.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh của năm 2021 tại Việt Nam, số doanh nghiệp có sự cải thiện là 31.4% (tăng 13.6% điểm so với năm trước), trong khi số doanh nghiệp bị suy giảm là 36.6% (giảm 16.2 điểm). Tỷ lệ này đã cải thiện hơn so với năm trước nhưng không tăng nhiều so với các quốc gia khác (số doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh cải thiện của ASEAN là 41,6%; Pakistan là 75%; Ấn Độ 59,6%; Indonesia 58,1%; Thái Lan 53,3%...).

Số liệu thống kê của khảo sát cho thấy tỷ lệ thu mua tại chỗ của Việt Nam được đánh giá là 37,4%, có sự khác nhau giữa các ngành nghề, ở ngành dệt may và linh kiện máy móc điện tử còn khá thấp, phải nhập khẩu đến 30% từ Trung Quốc.

Tỷ lệ thu mua tại chỗ của Việt Nam tăng dần từ năm 2010, nhưng sự tăng trưởng đó còn chậm. Những năm gần đây mặc dù ngang hàng với Malaysia, nhưng so sánh với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì vẫn ở mức thấp.

Tỷ lệ xuất khẩu trung bình trên doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 50,9%, đảm bảo cân bằng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp loại hình xuất khẩu nhưng những năm gần đây, tỷ lệ xuất khẩu có xu hướng giảm do số doanh nghiệp có loại hình bán hàng nội địa tăng (tỷ lệ xuất khẩu năm 2011 là 57.7%).

Trong đó, có khoảng 67% là xuất khẩu ngược trở lại Nhật Bản, đảm bảo hoàn chỉnh chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp đang hướng tới mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ hoặc EU nên tỷ lệ này sẽ thay đổi trong thời gian tới.

Tỷ lệ sử dụng FTA/EPA của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 59.7% (tăng 1.3 điểm so với năm trước) và có xu hướng tăng dần từng năm qua. Mặt khác, cũng có vấn đề về mức độ nhận thức và gánh nặng thủ tục. Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thường sử dụng FTA/EPA với Nhật Bản và các nước ASEAN. Một nửa là sử dụng FTA đối với xuất nhập khẩu với EU.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản có quan tâm nhiều nhất đến “tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên” trong xu thế nỗ lực giảm lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính (khử Carbon).

Có ít các doanh nghiệp đang hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam (5%) và doanh nghiệp có dự định hợp tác (3%) nhưng doanh nghiệp có quan tâm hợp tác là 30%, cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á/ Châu Đại Dương.

Việt Nam tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022

Đề cập đến triển vọng hoạt động kinh doanh thời gian tới, ông Takeo Nakajima cho hay có đến 53,5% doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2022, trong khi đó chỉ có hơn 2% doanh nghiệp đưa ra quyết định dịch chuyển khỏi Việt Nam do đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là một thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản.

Triển vọng lợi nhuận kinh doanh phân theo nền kinh tế, khu vực
Triển vọng lợi nhuận kinh doanh phân theo nền kinh tế, khu vực

Đánh giá về định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1 đến 2 năm tới tại Việt Nam, Trưởng đại diện JETRO nhận định tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ tiếp tục mở rộng” là 55.3% (tăng 8.5 điểm so với năm trước). Đối chiếu với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này đứng đầu ASEAN, và chỉ xếp sau Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan).

Tỷ lệ doanh nghiệp sẽ thu nhỏ quy mô hoặc chuyển một sang quốc gia/khu vực thứ ba là 2.2% (giảm 3.9 điểm so với năm trước). So với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này thấp, chỉ sau Pakistan.

Khi đánh giá đầu tư, công ty Nhật Bản nhận thấy điểm lợi thế của Việt Nam so với các nước ASEAN khác là thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn (chiếm 69.3%, tăng 3.0 điểm so với năm trước), tình hình chính trị, xã hội ổn định (61.4%, giảm 4.3 điểm), đặc biệt chất lượng nhân sự cao chi phí nhân công rẻ (56.9%, tăng 0.4 điểm) là điểm lợi thế của Việt Nam được hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao.

Ngược lại, các doanh nghiệp cũng quan ngại những rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam về chi phí nhân công tăng vọt (60.2%, giảm 3.5 điểm so với năm trước); làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến sự phức tạp thủ tục hành chính tiếp tục tăng lên so với năm trước ((53.8%, tăng 7.1 điểm); tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao (43.4%, tăng 4.8 điểm).

Theo ông Takeo Nakajima, những rủi ro này trong giai đoạn 2019 – 2020 đã được cải thiện đáng kể nhưng đến năm 2021 lại giảm xuống do tác động của COVID-19.

Ảnh tác giả

“Thời gian và chi phí thừa do các thủ tục khác nhau gây cản trở hoạt động kinh doanh và đầu tư mới. Mặc dù việc chuyển đổi chính sách để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 được đánh giá cao, nhưng phản ứng của chính phủ đối với làn sóng dịch bệnh thứ tư đã làm tăng rủi ro đầu tư của Việt Nam. Một môi trường hoàn thiện nơi các doanh nghiệp Nhật Bản coi trọng việc tuân thủ quy định sẽ dễ dàng hoạt động là điều đang được mong đợi”.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại Việt Nam

Trao đổi với MEKONG ASEAN về những quan ngại của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ở Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp thời gian tới, Trưởng đại diện JETRO nhận định, doanh nghiệp Nhật Bản có 2 xu hướng hoạt động ở Việt Nam đó là hướng vào thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

“Đối với doanh nghiệp hướng đến thị trường nội địa, họ sẽ quan tâm nhiều đến sự tăng trưởng và phát triển của thị trường nội địa. Năm 2021 GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,5% cho thấy thị trường đang có sự suy giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ trong nước”, ông Takeo Nakajima nói.

Các doanh nghiệp theo định hướng xuất khẩu sẽ quan tâm nhiều đến thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Hiện nay với biến chủng mới Omicron, nhiều quốc gia đang có chính sách hạn chế đóng cửa nền kinh tế, cần tăng cường tiêm chủng vaccine để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có thể diễn ra bình thường.

Đối với thị trường nước ngoài, nỗ lực riêng của Việt Nam là không đủ mà cần có sự phối hợp với các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu này.

Ngoài ra, theo ông Takeo Nakajima, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan ngại về đảm bảo cung ứng nguồn lao động, bởi tình trạng người lao động về quê và không quay trở lại dù các doanh nghiệp đã phải tăng lương để giữ chân nhân sự. Do vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng nhiều vào việc có thể đảm bảo lao động để ổn định sản xuất.

Quan ngại thứ ba mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là vấn đề lạm phát, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lo lắng nhiều về chi phí logistic, thiếu hụt container... ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Tuy vấn đề lạm phát Việt Nam vẫn đang kiểm soát, nhưng trong thời gian tới cần quan tâm đến giá nguyên liệu và giá thực phẩm.

“Cần có những chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được nền kinh tế. Tháng 9/2021, Chính phủ Việt Nam đã có sự thay đổi kiểm soát dịch bệnh và quý IV đã có sự phục hồi trở lại, theo tôi Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa chiến lược này vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế”, Trưởng đại diện JETRO khuyến nghị.

Ông Takeo Nakajima cũng cho biết thêm về triển vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong năm tới khi có 39 doanh nghiệp Nhật Bản đã công bố dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Hiện họ đang lên kế hoạch, đầu tư thiết bị và cơ sở sản xuất của mình. Một số doanh nghiệp về phụ kiện ô tô, máy móc, thiết bị điện tử đang dịch chuyển từ nước khác vào Việt Nam đây là những doanh nghiệp vốn đã có nhà máy tại Việt Nam từ trước và giờ họ tiếp tục tăng cường đầu tư mở rộng hoặc dịch chuyển từ các nước khác về Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp