Việt Nam khởi động mục tiêu phục hồi kinh tế xanh quy mô toàn quốc

Kinh Tế Xanh Việt nAM
14:14 - 28/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên với sự hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân, quá trình này sẽ sớm thành công tại Việt Nam.
Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Phương Thảo

Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Phương Thảo

Chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn, hướng tới một nền kinh tế không phát thải, trung tính carbon vào năm 2050 là tham vọng toàn cầu, nhằm dịch chuyển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị toàn cầu trong 25 tới 30 năm. Đây là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược, không thể chậm trễ hơn nữa.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và tham vọng này của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” sáng 28/6.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã gửi tới diễn đàn thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tinh thần đoàn kết, chung tay sẻ chia và cùng hành động trong giảm phát thải khí carbon, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0 như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch Covid-19.

Từ đó, Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh cơ chế hợp tác giữa các quốc gia cũng như với các tổ chức quốc tế, nhằm đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là trong chia sẻ kiến thức, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ.

“Hiện nay, Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Theo người đứng đầu lĩnh vực môi trường của Việt Nam, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay.

Vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong các chương trình nghị sự của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

“Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương: xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

“Việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ sớm được thúc đẩy tại Việt Nam”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Để sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, Theo Bộ trưởng, cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường.

Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường. Ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.

“Đặc biệt là lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện…theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải. Doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ, tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Huy động nguồn lực, chung tay vì sự chuyển đổi bền vững

Cũng tại diễn đàn, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam mà việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam

“Chúng tôi tin rằng bằng các nỗ lực tập thể, chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kinh nghiệm một cách cởi mở, kết nối các bên liên quan, sẽ giúp thay đổi tư duy, hướng đến sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với nhu cầu, lịch sử và tham vọng của người dân Việt Nam. Do vậy, chúng tôi vui mừng đồng hành cùng với Bộ tài nguyên và môi trường và các đối tác phát triển ra mắt Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam”.

Cùng quan điểm với đại diện UNDP, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp Thái Lan SCG đang đầu tư mạnh tại Việt Nam chia sẻ, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị.

Ông Roongrote Rangsiyopash cũng khẳng định bắt tay cùng các đối tác để cùng phát triển hướng đến sự bền vững trong tương lai. Hơn thế, ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng, đây sẽ là một phần quan trọng hướng đến mục tiêu bền vững lớn hơn và phát thải carbon ròng bằng không trong tương lai.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG

Những nỗ lực chung và sự hợp tác giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng Mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan ngày hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Các doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức công - tư tại Việt nam để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này”.

Ngoài ra, tại diễn đàn các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình kinh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam.

Diễn đàn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Trong khuôn khổ diễn đàn, gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình kinh tế tuần hoàn được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (giữa) cùng bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam (áo xanh), Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman và các đại biểu chụp ảnh tại bức tường giấy tại triển lãm của diễn đàn. Ảnh: Phương Thảo

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (giữa) cùng bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam (áo xanh), Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman và các đại biểu chụp ảnh tại bức tường giấy tại triển lãm của diễn đàn. Ảnh: Phương Thảo

Bên cạnh phiên toàn thể, Hội nghị bao gồm các phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung:

(1) Thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức

(2) Tài chính đổi mới và công nghệ xanh về kinh tế tuần hoàn

(3) Các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

(4) Thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.

Tin liên quan

Đọc tiếp