Việt Nam nhận 50 cảnh báo thực phẩm của EU từ đầu năm

Cảnh báo eu
17:30 - 24/07/2022
Việt Nam nhận 50 cảnh báo thực phẩm của EU từ đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Từ tháng 1/2022 đến ngày 22/7, Hệ thống cảnh báo của EU đã 50 lần cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm của Việt Nam, mới đây nhất là sản phẩm mỳ ăn liền.

Mới nhất là việc quốc đảo Malta thông báo về việc sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia (Việt Nam) đã bị cảnh báo vì mối nguy mì từ gạo biến đổi gene trái phép. Biện pháp thực hiện là giám sát và thu hồi sản phẩm. Trong khi đó, sản phẩm mì ăn liền của CTCP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cũng bị Ba Lan trả lại hàng.

Sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của CTCP thực phẩm Á Châu đã bị Đức cảnh báo vì mối nguy chứa chất ethylene oxide mức 0,036 ± 0,018 mg/kg, 0,024 ± 0,012 mg/kg, 0,021 ± 0,011 mg/kg.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với sản phẩm mì ăn liền, hiện EU đang áp tần suất kiểm tra sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam ở thị trường EU là 20%. Vừa qua, tại Thụy Sĩ, Văn phòng SPS Việt Nam đã cùng các ngành chức năng làm việc với EU cam kết sẽ thúc đẩy kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm với mì ăn liền, đáp ứng quy định của EU.

Trong thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra xuất khẩu vào EU vì theo quy định 6 tháng EU sẽ họp một lần để xem xét mức độ vi phạm của các quốc gia để đưa ra biện pháp tăng hoặc giảm kiểm tra.

Ông Nam nhận định, việc một số doanh nghiệp vi phạm quy định vào thị trường EU sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của các cơ quan trong việc thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU một cách thuận lợi nhất.

Từ tháng 1/2022 đến ngày 22/7/2022, Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã phát đi 2.531 cảnh báo các sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định, trong số đó, Việt Nam có 50 cảnh báo vi phạm quy định của EU.

Các cảnh báo này được gửi đến Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam).

Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.

Văn phòng có nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Ông Nam cho biết, sau khi nhận được các cảnh báo này, đơn vị nhận thấy cần có thông tin rõ ràng để tránh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua đó, doanh nghiệp cũng cần phải rà soát lại quy trình sản xuất một cách kỹ lưỡng nếu vẫn muốn tiếp tục xuất khẩu sang EU.

Điều các doanh nghiệp cần chú trọng nhất đó là mức athylene oxide có trong các sản phẩm mì ăn liền hiện nay.

Thực tế, mỗi quốc gia quy định ngưỡng tối đa cho phép với athylene oxide khác nhau, Mỹ, Canada quy định tối đa là 7 mg/kg, trong khi Hàn Quốc quy định khác, chỉ riêng EU quy định chỉ tiêu này rất thấp. Do vậy, các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý giám sát chặt quy trình sản xuất.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo với các doanh nghiệp để tránh bị những cảnh báo như trên, ảnh hưởng đến nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU một cách thuận lợi của các ngành chức năng, những doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền vào EU phải đặc biệt lưu ý kiểm soát tốt chỉ tiêu athylene oxide, vì ngưỡng quy định của EU rất thấp, do vậy, phải giám sát chặt từ nguyên liệu đầu vào để đáp ứng yêu cầu của EU.

Trước đó, vào tháng 12/2021, EU đã ban hành bổ sung quy định kiểm soát trong “Quy định thực thi của Ủy ban (EU) 2019/1793” ngày 22/10/2019 về việc gia tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp điều chỉnh nhập khẩu một số hàng hóa từ một số quốc gia thứ ba. Theo đó, EU quy định tần suất kiểm tra dư lượng Ethylene Oxide đối với các mặt hàng sản phẩm mì, miến, phở, bún ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam là 20%.

Đến ngày 13/6, EU đã chính thức đưa các loại bún, miến, phở của Việt Nam ra khỏi danh sách mục quy định yêu cầu bổ sung dụng giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm. Thay đổi này có hiệu lực từ ngày 3/7/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp