Việt Nam - Trung Quốc lập kênh thông tin giao thương về ngành gỗ

Gỗ TRUNG QUỐC
15:34 - 14/06/2022
Việt Nam chi hơn 2,5 tỷ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Việt Nam chi hơn 2,5 tỷ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm thúc đẩy giao thương gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc và sớm ngăn chặn một số hiểu lầm về thuế, nguồn gốc, xuất xứ, các hiệp hội gỗ Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập kênh thông tin giao thương.

8 điểm cần lưu ý khi xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc

Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và trong những năm gần đây luôn duy trì vị trí thứ 2 - 3 xét về mặt giá trị kim ngạch.

Để đẩy mạnh thương mại ngành gỗ giữa Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng Hiệp hội Lâm sản Trung Quốc và Hiệp hội Phân phối gỗ và sản phẩm gỗ Trung Quốc cuối tuần qua đã có buổi gặp mặt cùng thảo luận về những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ thương mại gỗ song phương.

Đại diện hai bên đã làm rõ những cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư bền vững cũng như rủi ro thị trường và cơ chế giảm thiểu rủi ro trong hợp tác giữa hiệp hội gỗ hai nước nhằm cùng nhau hướng tới xây dựng thương mại ngành gỗ có trách nhiệm.

Đánh giá cao tiềm năng thương mại Trung Quốc và Việt Nam, ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp 2 nước sẽ tiếp tục có những kiến nghị với Chính phủ, cơ quan quản lý để có những hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước, đúng thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, ông Công đưa ra mong muốn 2 hiệp hội sẽ sớm ngăn chặn tình trạng hiểu lầm về một số vấn đề như: không sử dụng gỗ bất hợp pháp; không lẩn tránh thuế, không gian lận xuất xứ. Đây là một trong những quy định mà Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành.

Tán thành ý kiến của ông Công, bà Hải Linh, đại diện Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Trung Quốc đánh giá, Việt Nam là thị trường quan trọng của gỗ Trung Quốc. “Cùng với việc tuân thủ các quy định pháp lý, thiết lập mối quan hệ, thiết lập các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro, cải thiện tốt hơn chuỗi cung ứng... chúng tôi cũng mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam", bà Linh nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Hải Linh cũng lưu ý 8 điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc phải đảm bảo có đủ là: Giấy chứng nhận CITES, giấy chứng nhận xuất xứ (CO), giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, vận đơn, hợp đồng, hóa đơn, danh sách đóng gói, lô hàng đường biển.

Cũng tại buổi gặp gỡ, ngành gỗ hai bên đã thống nhất duy trì kênh thông tin thương mại gỗ Việt Nam và Trung Quốc với sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp gỗ hai nước.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc

Việt Nam nhập khẩu gỗ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu

Theo báo cáo của Tổ chức Forest Trends, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 14 tỷ USD sản phẩm gỗ, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,49 tỷ USD với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, năm 2021, Việt Nam chi hơn 2,5 tỷ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD với khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia (có cả các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm phụ trợ ngành gỗ).

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trend cho biết xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc chiếm 10 - 12% tổng giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Trong đó, hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là gỗ nguyên liệu (mã HS44) với hơn 20 sản phẩm, chủ yếu là gỗ dăm, khoảng 20% còn lại là sản phẩm gỗ (mã HS94).

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 25 - 37% tổng kim ngạch nhập khẩu với hơn 20 sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm thuộc dòng gỗ nguyên liệu.

Cả 2 mã HS44 và HS94 nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đều đặn trong những năm qua, trong đó, mã HS44 lớn hơn nhiều so với mã HS94 theo giá trị (chiếm 65 - 88% trong tổng số).

“Việt Nam duy trì thặng dư thương mại gỗ với Trung Quốc nhưng nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh hơn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Thặng dư thương mại chủ yếu đến từ dăm gỗ”, báo cáo của Forest Trends nhận định.

Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam tương đối cao, chiếm 17% - 35% tổng vốn đầu tư từ các nguồn trong ngành. Trong đó, năm 2019 là năm có số dự án đăng ký mới và tổng vốn đăng ký cấp mới cao nhất.

Các dự án đăng ký mới của Trung Quốc chiếm từ 14% - 36% tổng số dự án FDI đăng ký mới đầu tư vào ngành gỗ của Việt Nam tính theo giá trị và 35% - 56% theo số lượng dự án.

“Mặc dù quy mô thương mại gỗ 2 nước rất lớn nhưng sự hiểu biết của doanh nghiệp gỗ Việt Nam về quy định thị trường Trung Quốc còn khiêm tốn và ở chiều ngược lại các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chưa có nhiều hiểu biết về luồng cung gỗ ở Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng hiệp hội gỗ 2 nước sẽ có những hợp tác để cùng nhau đóng góp cho sự bền vững cho ngành gỗ 2 quốc gia”, ông Tô Xuân Phúc đưa đề xuất từ thực tiễn.

Tin liên quan

Đọc tiếp