Việt Nam và Indonesia có nhiều dư địa hợp tác để đưa thủy sản ra thế giới

Việt Nam và Indonesia có nhiều dư địa hợp tác để đưa thủy sản ra thế giới

Việt nAM Indonesia
07:52 - 03/08/2022

Ngày 30/12/1955, Indonesia trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong gần 70 năm qua, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Năm 2021, kim ngạch thương mại vượt mục tiêu 10 tỷ USD mà hai bên đề ra trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019 - 2023.

Tại cuộc gặp mặt Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vừa qua; Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề nghị hai bên xem xét tiến tới xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2024-2028, đưa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2028; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối và giao lưu nhân dân.

Để khắc họa rõ nét hơn mối quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia cũng như những giải pháp, hành động mà hai nước nên làm trong thời gian tới để đẩy mạnh hợp tác, Mekong ASEAN đã có cuộc trò chuyện với ông Denny Abdi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Indonesia tại Việt Nam.

Mekong ASEAN: Sau thời gian đảm nhiệm vai trò đại sứ, ông có thể chia sẻ những ấn tượng của mình về Việt Nam, đặc biệt là đối với công cuộc phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 thời gian qua?

Đại sứ Denny Abdi: Trước hết phải nói rằng, tôi rất ấn tượng với nỗ lực của Việt Nam nhằm kiểm soát Covid-19. Trước tháng 4/2021, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở Việt Nam rất ít, các bạn vẫn có thể duy trì các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên không may là tới tháng 4 năm ngoái, biến thể Delta xuất hiện. Đây là biến thể có tốc độ lây nhiễm cao và biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất chính là vaccine.

Tình trạng thế giới lúc đó rất tồi tệ và tôi nghĩ rằng đỉnh dịch xảy ra vào khoảng tháng 7/2021. Chính phủ Việt Nam một lần nữa thể hiện năng lực khi rất nhanh chóng tìm tới các quốc gia thân thiện để mua vaccine. Và kết quả là tới cuối năm 2021, Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine toàn dân cao nhất trên thế giới.

Bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia giữ được mức tăng trưởng dương trong 2 năm 2020 và 2021, nhờ vào sự gia tăng xuất-nhập khẩu cũng như đầu tư, đặc biệt là FDI. Với chính sách phục hồi kinh tế, một số ngành đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay như bán lẻ, dược phẩm, logistics...

Nhiều tổ chức thế giới đều dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6-7% trong năm 2022. Tôi cũng nghĩ triển vọng kinh tế Việt Nam rất tươi sáng, dù phải đối mặt với một số thách thức mới do đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và nền kinh tế - chính trị toàn cầu đang trải qua nhiều khó khăn.

Mekong ASEAN: Trải qua 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những bước tiến triển ra sao, thưa Ngài?

Đại sứ Denny Abdi: Quan hệ ngoại giao giữa 2 nước được thiết lập vào năm 1955. Tuy nhiên trước mốc thời gian đó, Việt Nam và Indonesia đã có mối quan hệ khăng khít khi cùng đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm. Tổng thống Sukarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là những người đặt nền móng cho mối quan hệ đó. Họ cùng chia sẻ với nhau những giá trị, tư tưởng trong con đường giành lại độc lập cho dân tộc. Tuyên ngôn độc lập của 2 nước diễn ra chỉ cách nhau 2 tuần.

Indonesia cũng trải qua chiến tranh nhưng không phải trong một khoảng thời gian dài như Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam thực sự đạt được tự do, quan hệ của 2 nước được nối lại. Indonesia cũng là một trong những nước đầu tiên ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN.

Với việc gia nhập ASEAN và WTO, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu thực sự phát triển, tăng trưởng và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Về mặt quan hệ song phương, tôi cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, sau khi hai nước nâng lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013.

Trong vòng chưa đến 10 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 3 lần, từ 3,34 tỷ USD trong năm 2010 lên tới 9,1 tỷ USD trong năm 2019. Còn năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 40,14% so với năm 2020 và đạt được mục tiêu 10 tỷ USD đề ra giữa các nhà lãnh đạo hai bên. 5 tháng đầu năm 2022 (tháng 1/2022 đến tháng 5/2022), kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Indonesia tiếp tục cải thiện với 5,57 tỷ USD, tăng 22,47% so với cùng kỳ năm 2021 (4,55 tỷ USD).

Mekong ASEAN: Ngài có thể cho biết những điểm tương đồng và khác biệt giữa kinh tế Việt Nam và Indonesia? Trong tương lai, hai nước cần có động thái gì để thúc đẩy quan hệ đầu tư, kinh tế giữa hai quốc gia?

Đại sứ Denny Abdi: Việt Nam và Indonesia có khá nhiều điểm tương đồng. Một là chúng ta đều cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế. Hai là có dân số trẻ, đặc biệt là những người trẻ tuổi trong độ tuổi lao động. Cũng nhờ dân số trẻ mà chúng ta sở hữu thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Indonesia còn sản xuất nhiều loại sản phẩm giống nhau. Ví dụ như Việt Nam sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, Indonesia cũng vậy.

Mặc dù vậy, khác biệt cũng rất lớn. Bởi mỗi nước có tiềm năng, thế mạnh, chính sách phát triển kinh tế riêng. Nếu chúng ta biết tận dụng các điểm tương đồng, bù trừ các điểm khác biệt thì cơ hội hợp tác giữa hai nước còn rộng mở hơn nữa.

Như trong lĩnh vực thủy sản, Việt Nam có ngành công nghiệp chế biến thủy sản phát triển và có khách hàng là các nước và khu vực lớn như Mỹ, Nhật Bản hay EU. Còn Indonesia có nguồn cung thủy sản dồi dào với hơn 80.000 hòn đảo nhưng lại không có đủ ngư dân để đánh bắt. Vậy nên Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác với nhau để tận dụng được nguồn cung dồi dào này. Bằng cách đó, tôi nghĩ 2 nước có thể trở thành nguồn cung thủy sản lớn cho thế giới.

Từ những năm 1990, Indonesia và Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian đó, các nhà đầu tư Indonesia là những người đầu tiên đến Việt Nam. Nhưng hiện tại, ngành nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều và các bạn đang làm rất tốt. Tôi nghĩ với tiềm năng lớn chưa được khai thác tại Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại đất nước chúng tôi ở hai lĩnh vực này sẽ rất hiệu quả.

Mekong ASEAN: Với những tương đồng và khác biệt đó, Ngài đánh giá sao về tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới, đặc biệt là sự đầu tư qua lại giữa hai quốc gia?

Đại sứ Denny Abdi: Nhiều nhà phân tích có những dự đoán tích cực về triển vọng kinh tế của Indonesia. Gần đây việc các công ty gồm Cơ quan Xếp hạng Quốc tế Nhật Bản, Fitch and Moody’s nâng hạng Indonesia lên mức đầu tư sẽ giúp thu hút dòng vốn FDI mạnh hơn.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vị trí địa lý của Việt Nam được coi như chiến lược trong hợp tác kinh tế mang tới lợi ích cho đôi bên.

Việt Nam có thể là một điểm đến cho các nhà đầu tư Indonesia nhắm vào thị trường nội địa 98 triệu dân của Việt Nam cũng như là cửa ngõ tới: Các nước ASEAN xung quanh như Lào và Campuchia bằng cách áp dụng các ưu đãi thuế quan trong ASEAN; Các quốc gia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam như Mỹ, EU, Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) và Trung Quốc, do quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước này ngày càng gia tăng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Indonesia và Việt Nam cùng sở hữu những điều kiện có thể giúp đẩy mạnh quan hệ kinh tế như dân số đông, nền kinh tế ngày càng phát triển, sức mua tương đương (PPP) gia tăng, cùng là các thành viên ASEAN…

Nhiều công ty Indonesia đã hoạt động ở Việt Nam trong một khoảng thời gian dài và giúp ích trong việc phát triển kinh tế Việt Nam. Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia trong các lĩnh vực như thủy sản, nông nghiệp và các lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa khác.

Mekong ASEAN: Indonesia là một trong những nước đầu tiên thuộc khối ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Theo Ngài, những lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam đã và đang hấp dẫn các doanh nghiệp Indonesia?

Đại sứ Denny Abdi: Trước đây, các nhà đầu tư Indonesia rất có hứng thú với lĩnh vực bất động sản. Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện nhiều động thái quảng bá để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát triển bất động sản bằng việc trợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ đất, ổn định giá đất và cải thiện sự minh bạch cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Sự phát triển của lĩnh vực bất động sản đóng vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế Việt Nam sau lĩnh vực công-nông nghiệp và dịch vụ. Nhận thấy tiềm năng đó, Ciputra Group - một trong những công ty đa ngành hàng đầu của Indonesia đã đến Việt Nam từ những năm 1990. Các dự án lớn của họ như Khách sạn 5 sao Pullman Hà Nội và Khu đô thị Nam Thăng Long đều rất thành công.

Ngoài Ciputra Group, hiện có hơn 30 công ty Indonesia đã đặt chân tới Việt Nam. Tính tới 20/6/2022, giá trị đầu tư lũy kế của các nhà đầu tư Indonesia tại Việt Nam được ghi nhận ở ngưỡng 617,96 triệu USD với 101 dự án FDI và xếp thứ 29 trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Mekong ASEAN: Indonesia là thị trường đầy tiềm năng về thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Ngài có thể chia sẻ những lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư, xây dựng thương hiệu tại Indonesia?

Đại sứ Denny Abdi: Các nhóm hàng Việt Nam có doanh thu cao nhất tại thị trường Indonesia là máy tính, thiết bị và linh kiện điện tử, vật liệu nhựa và sợi.

Indonesia có dân số 270 triệu người với hơn 1.500 nhóm sắc tộc đa dạng. Các nhà tiếp thị và xây dựng hình ảnh thương hiệu cần phải hiểu biết về các đặc điểm nhân khẩu học mà khách hàng của mình sở hữu để có thể quảng bá doanh nghiệp thành công. Nhưng cũng chính vì vậy mà Indonesia sở hữu một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp thuộc đủ các ngành công nghiệp, quy mô và mục tiêu khách hàng.

Lợi thế và tiềm năng của thị trường Indonesia bao gồm dân số đông, nhu cầu phát triển thương mại điện tử cao, hứng thú với ẩm thực Việt Nam cùng các đặc trưng tương đồng trong văn hóa, lịch sử và du lịch, các đường bay thẳng giữa hai nước…

Người dân Indonesia ngày nay ứng dụng số hóa nhiều hơn với hơn 70% dân số là người dùng Internet. Do đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng các nền tảng số cho các hoạt động tiếp thị cũng như xây dựng thương hiệu.

Mekong ASEAN: Bên cạnh những thuận lợi, Ngài có thể nhận định đâu là những khó khăn, trở ngại trong quan hệ thương mại Việt Nam - Indonesia? Trên cương vị của mình, sắp tới Ngài sẽ có hành động gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương?

Đại sứ Denny Abdi: Theo tôi thì quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia hiện đang ở mức cao nhất. Hai nước đã nâng quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2013. Để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, hai quốc gia cũng cùng ký kết Kế hoạch Hành động cho khoảng thời gian 2019-2023, bao trùm các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, đầu tư, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, giao thông, năng lượng và các lĩnh vực đầu tư khác.

Về trở ngại thì tôi nghĩ đó chính là tính kết nối. Do Indonesia là một quốc đảo nên con đường liên kết duy nhất giữa 2 nước là thông qua hàng không từ TP HCM hoặc Hà Nội tới Bali.

Theo tôi tính kết nối chính là một yếu tố quan trọng, là điểm đầu vào để thiết lập các mối liên kết kinh tế. Các doanh nhân cần phải gặp mặt nhau trước khi bắt đầu một thương vụ hợp tác. Như các doanh nghiệp Việt Nam trước đây chủ yếu đầu tư sang Lào và Campuchia, bởi các quốc gia ở gần nhau và do đó dễ thiết lập các mối quan hệ. Còn với Indonesia, nhiều khi chúng ta cần đi qua Singapore, Malaysia hoặc Thái Lan để có thể gặp nhau.

Mặc dù vậy, tôi nghĩ trở ngại này cũng không phải là không thể giải quyết, nhất là khi nhu cầu hợp tác giữa hai nước ngày càng cao khi GDP đầu người đều đang tăng trưởng ở hai quốc gia. Chính phủ hai bên, các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực để kết nối mạnh mẽ hơn. Hiện hãng hàng không cũng đang có kế hoạch mở thêm 1 tuyến bay nữa tới Jakarta. Đây là cơ hội rất lớn vì Jakarta cũng có nhiều doanh nghiệp hơn.

Ngoài ra, khu vực ASEAN đã ký kết rất nhiều hiệp định với nhau để nới lỏng các hạn chế xuất nhập khẩu từ mỗi nước thành viên. Tuy nhiên trên thực tế, thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề xuất hiện. Ví dụ khi xuất khẩu một sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Indonesia, các doanh nghiệp sẽ gặp một số rào cản và điều này cũng áp dụng cho cả chiều ngược lại đối với các sản phẩm Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam. Vậy nên tôi cho rằng hai Chính phủ nên phối hợp chặt chẽ hơn để đảm bảo các luật lệ của hai bên khớp với nhau.

Sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt song phương để thảo luận các nỗ lực đẩy mạnh quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia, đặc biệt là về thương mại, kinh tế, đầu tư, du lịch... Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ chúng tôi.

Indonesia và Việt Nam đều là những nước đang phát triển, luật lệ và chính sách vẫn sẽ có những điểm chưa được rõ ràng. Vậy nên chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong quan hệ hợp tác. Cách duy nhất là gặp mặt nhiều hơn. Đây cũng chính là lý do chúng ta thiết lập các đại sứ quán ở mỗi nước.

Đại sứ Việt Nam tại Jakarta đã rất cố gắng để giải quyết các mối bận tâm của doanh nghiệp. Ví dụ như nhà xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu một mặt hàng nào đó sang Indonesia và họ không hiểu rõ luật lệ. Lúc đó, đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta sẽ giúp đỡ họ.

Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với tôi. Với những nhà xuất khẩu Indonesia muốn xuất khẩu một mặt hàng sang Việt Nam và họ không hiểu luật lệ cũng như việc phải gặp ai để giải quyết vấn đề, tôi sẽ giúp họ. Tôi nghĩ đây là công việc của đại sứ quán. Và đây cũng là những nhiệm vụ mà tôi cho rằng nên được duy trì lâu dài.

Mekong ASEAN: Cụ thể sắp tới, phía đại sứ quán Indonesia sẽ có hoạt động cụ thể nào để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước, thưa Ngài?

Đại sứ Denny Abdi: Gần đây chúng tôi đã tổ chức một cuộc gặp mặt với các nhà điều hành dịch vụ lữ hành từ Bali. Họ đã gặp mặt với khoảng 46 công ty lữ hành và đại lý du lịch Việt Nam ngay tại Hà Nội và đã hợp tác cùng nhau để bán các tour du lịch từ Việt Nam tới Bali. Ngoài ra, các công ty cũng cùng thảo luận về các cách thu hút du khách Indonesia sang Việt Nam do hiện chúng ta đã có đường bay thẳng giữa Bali với TPHCM và Bali tới Hà Nội.

Và tôi nghĩ trước khi năm 2022 kết thúc, Indonesia sẽ tổ chức Trade Expo (triển lãm thương mại) – sự kiện thương mại doanh nghiệp lớn nhất tại Indonesia. Chúng tôi cũng sẽ mời rất nhiều nhà xuất khẩu từ Việt Nam tới trưng bày sản phẩm tại Indonesia và đồng thời để kết nối với các nhà nhập khẩu Indonesia.

Các nước đều tổ chức khá nhiều hoạt động trong năm nay vì đại dịch Covid-19 tuy chưa kết thúc nhưng phần lớn đã được kiểm soát. Hai Chính phủ đã có thể tự tin tiếp nối các hoạt động giữa hai nước, các doanh nhân có thể gặp mặt nhau. Thông qua các sự kiện như thế này, ngày càng nhiều các cơ hội kinh doanh sẽ được xây dựng.

Mekong ASEAN: Theo Ngài, trong bối cảnh mới, Việt Nam cũng như Indonesia nên chú trọng vào lĩnh vực nào để phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững?

Đại sứ Denny Abdi: Tôi nghĩ để có thể xây dựng được một nền công nghiệp mạnh, có 3 yếu tố cần phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Đầu tiên là các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học. Thứ 2 là ngành công nghiệp hay cụ thể hơn ở đây chính là doanh nghiệp ở khu vực tư nhân. Và yếu tố thứ 3 là quyết sách từ Chính phủ.

Chính phủ cần phải hiểu rõ về 2 yếu tố trước và từ đó xây dựng hệ thống luật lệ và hệ thống chính sách khuyến khích 2 yếu tố này kết hợp với nhau. Ở các quốc gia đang phát triển như chúng ta đã có mô hình đại học công và quỹ đại chúng kết hợp tiến hành các nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng song hành với nhu cầu của các doanh nghiệp tư nhân. Đa số các trường đại học làm nghiên cứu khoa học xong nhưng không thể bán chúng bởi các doanh nghiệp không thể sử dụng những nghiên cứu đó do không đáp ứng được nhu cầu của ngành.

Các trường đại học cần quỹ cho nghiên cứu và cho các công tác khác. Các doanh nghiệp cần các sáng kiến đổi mới, cũng chính là kết quả của các nghiên cứu. Nếu hai nhu cầu này ăn khớp với nhau thì chúng ta có thể đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ cao. Hiện tại, ngành công nghiệp của chúng ta vẫn đang chủ yếu vận hành theo mô hình nhà máy cơ bản, sử dụng nguyên liệu hoá thạch.

Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, các nhà lãnh đạo đều đã thực hiện cam kết không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cần chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Việt Nam cũng đã có một khởi đầu tốt với việc xây dựng doanh nghiệp sản xuất xe điện Vinfast.

Để nói về điều này thì có vẻ dễ dàng nhưng thực hiện nó lại không hề đơn giản. Vậy nên Chính phủ cần phải thiết lập một môi trường nơi mà trường đại học, những sinh viên giỏi có thể giao tiếp với khu vực tư nhân của ngành công nghiệp. Cần phải có những luật lệ và chính sách khích lệ sự hợp tác này.

Ngoài ra, các trường đại học cũng cần phải có liên hệ chặt chẽ không chỉ trong nước mà còn ở tầm quốc tế. Đây cũng là một lĩnh vực mà chúng ta có thể thiết lập, cụ thể là các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu hàng đầu giữa Việt Nam và Indonesia.

Mekong ASEAN: Về các vấn đề nổi cộm toàn cầu hiện nay như xung đột, lạm phát, khủng hoảng năng lượng… Ngài đánh giá như thế nào về tác động của chúng đến Việt Nam, Indonesia cũng như các nước?

Đại sứ Denny Abdi: Nguyên nhân cho những vấn đề này không nằm ở 2 nước chúng ta. Đây là vì các tranh chấp đang xảy ra trên thế giới đã gây ra tác động tới cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng. Những gì chúng ta có thể làm để giảm thiếu tối đa các ảnh hưởng chính là gia tăng hiệu suất.

Việt Nam và Indonesia đều là các nước lớn và chúng ta tự sản xuất được lương thực cũng như năng lượng. Chúng ta cần hạn chế tối đa việc nhập khẩu lương thực và năng lượng từ các quốc gia khác trong những tình huống như thế này vì giá cả mọi thứ đều đang leo thang.

Ở phạm vi chính trị, nhà lãnh đạo Indonesia cũng đang cố gắng hết sức để mang lại hòa bình cho tranh chấp tại Ukraine. Ví dụ như một vài tuần trước, Tổng thống Indonesia đã tới thăm Ukraine cũng như Moscow. Lời nhắn mà ngài Tổng thống muốn truyền đạt tới lãnh đạo 2 quốc gia châu Âu là xin hãy đàm phán hòa bình. Mọi người đã phải chịu đựng nhiều khó khăn từ đại dịch, biến đổi khí hậu cũng như nhiều khó khăn khác. Chúng ta còn nhiều thử thách ở phía trước và thế giới không cần có thêm bất cứ cuộc xung đột nào khác.

Lý do Indonesia làm điều này là do Indonesia đang giữ chức Chủ tịch G20. Vào tháng 11, Indonesia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali và chúng tôi hy vọng với cơ hội này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thực sự hiểu được tình huống hiện tại đang khó khăn thế nào và người dân đang gặp những trở ngại gì trong việc duy trì nguồn cung thực phẩm và năng lượng ổn định. Từ đó, họ sẽ nỗ lực gấp đôi để đem lại hòa bình cho thế giới.

Mekong ASEAN: Cám ơn Ngài về cuộc trao đổi này!

Đọc tiếp