‘Việt Nam và Malaysia có nhiều triển vọng hợp tác về xe điện và năng lượng tái tạo’

‘Việt Nam và Malaysia có nhiều triển vọng hợp tác về xe điện và năng lượng tái tạo’

MALAYSIA Việt nAM
14:30 - 14/07/2022
Theo ông Neermal Shunmugam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Malaysia đang có nhiều triển vọng tích cực, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/3/1973, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia không ngừng được củng cố và phát triển. Sau khi nâng tầm lên Đối tác chiến lược năm 2015, quan hệ giữa hai nước ngày một gắn kết và đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực, nhất là với động lực mới sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia vừa qua.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, ông Neermal Shunmugam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam đã có những chia sẻ với Mekong ASEAN về các lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đầu tư trong thời gian tới.

Mekong ASEAN: Ngài đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Malaysia và tiềm năng cho tương lai, đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tới Việt Nam vào tháng 3 năm 2022?

Đại biện lâm thời Neermal Shunmugam: Bất chấp những thách thức do đại dịch gây ra, thương mại song phương giữa Malaysia và Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Trong năm 2021, thương mại song phương tăng 41,6% lên 16,7 tỷ USD so với mức 11,66 tỷ USD của năm 2020.

Malaysia cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam. Tính đến năm 2021, các khoản đầu tư của Malaysia vào Việt Nam trị giá 12,81 tỷ USD với 665 dự án đã đăng ký, chủ yếu đóng góp vào lĩnh vực tiện ích công cộng, sản xuất và phát triển bất động sản trên cả nước.

Đối với tiềm năng phát triển cho các nhà đầu tư Malaysia, tôi tin rằng triển vọng thực sự sáng sủa khi các hạn chế đi lại đang dần được dỡ bỏ và sự phục hồi kinh tế đang trên đà tích cực. Trên thực tế, điều quan trọng hiện tại là phải nhanh chóng nối lại các cuộc họp trực tiếp giữa các công ty và các tổ chức với nhau.

Để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Malaysia quyết tâm thu hút các khoản đầu tư có chất lượng, tức là các khoản đầu tư về lĩnh vực công nghệ cao, về các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao cùng các lĩnh vực chuyên sâu về kiến ​​thức, kỹ năng.

Ngoài ra, Malaysia cũng muốn thu hút đầu từ các lĩnh vực có định hướng xuất khẩu, thiết kế, chuyên sâu về nghiên cứu và phát triển hay về vốn. Các khoản đầu tư gây tác động tới thu nhập quốc dân có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành sản xuất trong nước cũng là một trong các ưu tiên.

Đồng thời, Malaysia mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực: dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), năng lượng tái tạo, giáo dục, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ tài chính, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân, du lịch, thương mại bán lẻ và dịch vụ về thị trường Halal, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế ở cả hai nước.

Mekong ASEAN: Theo ông đâu là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Malaysia quan tâm nhất khi đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam có thể làm gì để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa?

Đại biện lâm thời Neermal Shunmugam: Các công ty được khuyến khích tăng năng suất hơn nữa bằng cách đẩy mạnh tự động hóa và đổi mới, thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), thực hiện các phương pháp sản xuất bền vững và tận dụng các hiệp hội ngành trong việc chia sẻ các phương pháp tốt nhất.

Dựa trên các yếu tố đó, tôi hy vọng hai quốc gia có thể hợp tác nhiều hơn nữa để khám phá các phân khúc tiềm năng như lĩnh vực công nghệ thông tin, Fintech, an ninh mạng cũng như năng lượng tái tạo và thực phẩm Halal. Tôi tin rằng Malaysia có thể hỗ trợ phát triển các lĩnh vực này hơn nữa và cung cấp các kỹ thuật chuyên môn liên quan.

Về phía chính phủ, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được nhiều sự hợp tác hơn nữa giữa các công ty Việt Nam và Malaysia. Tôi thực sự tin tưởng rằng cả các công ty Việt Nam và Malaysia đều có thể hưởng lợi từ sự hợp tác này, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng không gián đoạn và mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh, có tiềm năng lớn về bất động sản với dân số và đất đai rộng lớn vẫn chưa được đầu tư. Ngoài ra trong những năm qua, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài mua bất động sản. Điều này sẽ giúp mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như khuyến khích đa dạng hóa đầu tư.

Tôi phải nhấn mạnh rằng việc tích hợp các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) vào đầu tư có thể thúc đẩy việc tạo ra giá trị lâu dài, kết nối các doanh nghiệp của chúng ta với mạng lưới quốc tế và khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững trong khu vực của chúng ta và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Để thúc đẩy hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực ô tô, kết nối di động, robot, công nghệ thông tin và số hóa, Tập đoàn MARii và FPT đang thực hiện các nỗ lực hợp tác chung, bao gồm việc thành lập Trung tâm Chất lượng cho Công nghiệp Tương lai (CoEFI) với số vốn đầu tư lên tới 100 triệu RM (528 tỷ VND).

Tôi rất vui mừng khi chia sẻ rằng sự hợp tác chiến lược giữa MARii và FPT trong việc thành lập CoEFI cho trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích big data (BDA) sẽ giúp đào tạo, cung cấp kỹ năng và chuyển giao bí quyết kỹ thuật cho khoảng 1.000 người lao động Malaysia về các lĩnh vực kỹ thuật và phát triển phần mềm tại Kuala Lumpur và Sabah vào năm 2022.

Ngoài ra, Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội cũng nhận được một số yêu cầu và mối quan tâm từ các công ty Malaysia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh Chính phủ chia sẻ với chúng tôi nền tảng và các ưu đãi phù hợp trong việc thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Mekong ASEAN: Bên cạnh các lĩnh vực đó, một trong những quan hệ hợp tác song phương nổi bật nhất giữa hai nước là về nguồn lao động. Ông có thể cho biết nhận định của mình về hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước trong thời kỳ hậu Covid-19, đặc biệt là sau khi ký kết bản ghi nhớ thứ ba về thị trường việc làm giữa Việt Nam và Malaysia vào ngày 21/3/2022?

Đại biện lâm thời Neermal Shunmugam: Chính phủ Malaysia thông qua Bộ Nguồn nhân lực (MOHR) đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Malaysia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động ngày 21/3/2022.

Theo số liệu thống kê do Cục Nhập cư Malaysia cung cấp, tính đến tháng 5/2022, tổng số lao động nước ngoài tại Malaysia là 1.133.183 người và số lao động Việt Nam là 9.983 người.

Mục đích của Biên bản ghi nhớ là đảm bảo tất cả người lao động Việt Nam được bảo vệ theo luật pháp và quy định tại Malaysia, cũng như cải thiện quy trình tuyển dụng và đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của người sử dụng lao động.

Việc tuyển dụng lao động Việt Nam được đánh giá là đóng vai trò đáng kể trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nước (lao động giúp việc gia đình), nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thông qua Biên bản ghi nhớ này, cả hai nước đều được hưởng lợi đáng kể thông qua thị trường lao động và sự phục hồi kinh tế, phù hợp với giai đoạn phục hồi kinh tế toàn cầu sau COVID-19. Ngoài ra, sự hợp tác còn góp phần gián tiếp hướng tới sự thịnh vượng trong khu vực.

Mekong ASEAN: Về mặt thương mại, tháng 3/2022 vừa qua, Thủ tướng hai nước đã nhất trí mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt ít nhất 18 tỷ USD vào năm 2025. Theo ông, hai nước có thể làm gì để nhanh chóng đạt được mục tiêu này?

Đại biện lâm thời Neermal Shunmugam: Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia trong ASEAN. Thương mại song phương của 2 nước đạt giá trị 16,7 tỷ USD, tăng 41,6% so với năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu chính sang Việt Nam của Malaysia là các sản phẩm điện và điện tử, hóa chất cũng như các sản phẩm dầu mỏ.

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng thương mại song phương giữa Malaysia và Việt Nam với tốc độ ổn định trong hành trình chung hướng tới tái thiết kinh tế sau đại dịch COVID-19. Chúng tôi cũng mong muốn đạt được mục tiêu thương mại song phương là 18 tỷ USD và hơn thế nữa vào năm 2025.

Bất chấp những khó khăn và thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, thương mại Việt Nam - Malaysia đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, có khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch hai chiều 18 tỷ USD vào năm 2025.

Các dữ liệu cho thấy có sự phát triển tích cực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2015. Hiệp định RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022, trong đó cả Malaysia và Việt Nam đã hoàn tất quá trình phê chuẩn, sẽ góp phần thúc đẩy thương mại song phương.

Để thúc đẩy thương mại Malaysia - Việt Nam, đặc biệt là tăng cường xuất khẩu của Malaysia sang thị trường Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung, Cục xúc tiến thương mại Malaysia đã đề ra 3 chương trình nghị sự kết hợp với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Malaysia đầu tư và xuất khẩu ra nước ngoài.

Các chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh doanh bền vững, số hóa các hoạt động thương mại cũng như thực hiện các sáng kiến ​​cụ thể trên cơ sở kế hoạch tổng thể thương mại quốc gia của Malaysia.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được mời tham gia Triển lãm Halal Quốc tế tại Malaysia lần thứ 18 (MIHAS) diễn ra từ ngày 7 - 10/9/2022. Là trung tâm triển lãm Halal lớn nhất thế giới, MIHAS sẽ là cơ hội tốt nhất để các công ty Việt Nam mở rộng phạm vi sang thị trường Halal.

Kết hợp với Lễ kỷ niệm vàng 50 năm quan hệ ngoại giao Malaysia - Việt Nam vào năm 2023, nhằm tăng cường thương mại song phương cũng như hội nhập kinh tế khu vực, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hoan nghênh đề nghị của Thủ tướng Malaysia về việc nối lại cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban Thương mại Hỗn hợp (JTC) cùng các cuộc họp khác, để cân bằng thương mại đang nghiêng về phía có lợi hơn cho Malaysia.

Mekong ASEAN: Liên quan đến thị trường Halal như ông đề cập, với kinh nghiệm là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm Halal, ông có đề xuất nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác các sản phẩm hàng đầu của chúng ta là nông sản và thủy sản?

Đại biện lâm thời Neermal Shunmugam: Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng lớn và Việt Nam có thể phát triển bền vững thị trường này nếu biết tận dụng các lợi thế của mình, chẳng hạn như một nước xuất khẩu mạnh các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.

Có gần 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới và chi tiêu cho thực phẩm Halal ước tính là 1,4 nghìn tỷ USD trong năm nay và dự báo sẽ tăng lên 15 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Dù tiềm năng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để tham gia vào chuỗi thực phẩm Halal. Theo Trung tâm Halal Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đang tham gia xuất khẩu một số sản phẩm Halal, tuy nhiên mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu từ các nước trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến việc cấp chứng chỉ Halal. Các thách thức cản trở họ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal là thiếu thông tin, văn hóa kinh doanh và cách thức tiêu dùng.

Nhu cầu gần đây đối với các sản phẩm Halal đã tăng lên đáng kể. Sự tăng trưởng này không chỉ do sự gia tăng nhanh chóng của dân số Hồi giáo ở các quốc gia Hồi giáo, mà còn do sự thay đổi trong dân số không theo đạo Hồi ở các nền kinh tế lớn. Nguyên nhân nhiều người ngày càng ưa chuộng các sản phẩm này là do các tiêu chuẩn của họ về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Ngành công nghiệp Halal nói chung không nên được nhìn từ góc độ tôn giáo mà nên dựa trên góc độ vệ sinh thực phẩm theo mô hình đề xuất các tính năng nâng cao trong việc sản xuất ra các sản phẩm tốt, tươi mới và lành mạnh và do đó hợp vệ sinh, an toàn và có thể được tiêu thụ tốt.

Nếu thành công, các sản phẩm đạt chứng nhận Halal có thể được xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia và Brunei và xa hơn nữa như Trung Đông, Châu Âu. Malaysia có thể cung cấp chuyên môn của mình trong lĩnh vực này để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa chính phủ với chính phủ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc mở ra cơ hội thị trường cho cả hai nước. Chứng nhận Halal nên được xem không chỉ như là một giấy phép mà nên được quảng bá và tuyên truyền như một tiêu chuẩn về chất lượng an toàn ngang bằng với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.

Các lĩnh vực được hỗ trợ cho các khu công nghiệp Halal, gồm: Dược phẩm, dưỡng sinh và chế phẩm sinh học; mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân; thành phần Halal; thực phẩm chế biến đặc biệt; sản phẩm thịt và thiết bị y tế.

Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các công ty Việt Nam đầu tư chứng nhận Halal và xuất khẩu sang các nước Hồi giáo. Các sản phẩm được chứng nhận halal này có thể được xem xét để đóng gói và sản xuất tại Công viên Halal của Malaysia.

Mekong ASEAN: Trong thời gian đảm nhiệm cương vị phụ trách Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ kế hoạch thúc đẩy Chương trình hành động giai đoạn 2021-2025 về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia, nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm 2023?

Đại biện lâm thời Neermal Shunmugam: Malaysia đánh giá cao quan hệ với Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc nâng quan hệ hợp tác song phương lên đối tác chiến lược vào năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai nước đã thông qua hai Kế hoạch hành động nhằm triển khai quan hệ đối tác chiến lược. Kế hoạch hành động đầu tiên cho giai đoạn 2017-2019 đã được thực hiện thành công, từ đó dẫn đến sự hợp tác mạnh mẽ và cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực.

Kế hoạch hành động mới nhất cho giai đoạn 2021-2025 đang được thực hiện. Nó liên quan đến sự hợp tác mới, đặc biệt là trong các nỗ lực phục hồi sau đại dịch cả từ khía cạnh kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Trong khuôn khổ kế hoạch này, chúng tôi đã nhấn mạnh cam kết của cả hai bên trong việc phối hợp chặt chẽ thực hiện các hoạt động thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp của chúng ta nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Malaysia - Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia đến Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 22/3 vừa qua, hai Thủ tướng đều đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ và thực chất trong quan hệ Đối tác Chiến lược song phương và nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ đối tác ngày càng toàn diện nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Malaysia và Việt Nam đang lên kế hoạch kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. Lễ kỷ niệm đánh dấu một cột mốc quan trọng đạt được trong quan hệ ngoại giao của chúng ta. Nhờ cam kết và hành động của cả hai bên, chúng ta có thể chứng kiến ​​mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nhà nước ở tất cả các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân. Điều này rất quan trọng khi cả hai nước đang nỗ lực hơn nữa để cải thiện lợi ích kinh tế và sự gắn kết chính trị.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, chúng tôi mong đợi các chuyến thăm cấp cao đến từ cả hai nước. Các mục tiêu mới có thể được xem xét lại và công bố vào năm sau. Chúng tôi cũng sẽ xem xét các hoạt động giúp làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tình hữu nghị và sự đánh giá cao giữa dân tộc Malaysia và Việt Nam.

Đọc tiếp