Việt Nam và Malaysia hợp tác xây dựng hệ sinh thái thực phẩm Halal

Halal ĐÔNG NAM Á
21:32 - 23/03/2022
Hội chợ triển lãm sản phẩm Halal hàng năm ở Malaysia. Ảnh: Halal.vn
Hội chợ triển lãm sản phẩm Halal hàng năm ở Malaysia. Ảnh: Halal.vn
0:00 / 0:00
0:00
Thực phẩm Halal là thị trường đầy tiềm năng tại Malaysia, nhưng việc tỷ lệ thực phẩm Việt Nam được chứng nhận đạt chuẩn Halal mới chỉ đạt 20% đang trở thành rào cản để có thể nâng kim ngạch thương mại song phương với Malaysia đạt mục tiêu 18 tỷ USD.

Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia Dato' Sri Ismail Sabri bin Yaakob đến Việt Nam từ 20 đến 22/3, ông đã đề cập đến lĩnh vực thực phẩm Halal trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Hai nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước và khẳng định vẫn còn nhiều tiềm năng để cùng khai thác và phát triển.

Để phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2025, hai thủ tướng nhất trí cần tăng cường hợp tác, trao đổi thương mại các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh, trong đó có các sản phẩm chuyên dành cho người Hồi giáo (thực phẩm Halal). Thủ tướng Dato' Sri Ismail Sabri bin Yaakob khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam mở rộng và phát triển ngành công nghiệp Halal trong thời gian tới.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phát biểu tại hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phát biểu tại hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng có buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali. Ông Azmin Ali cho biết, thị trường thực phẩm Halal là một thị trường toàn cầu, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Năm 2018, ngành công nghiệp Halal toàn cầu có tổng trị giá khoảng 2.440 tỷ USD. Riêng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal chiếm 56% giá trị, tương đương với 1.369 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,3%.

Đây là một cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam và Bộ trưởng Mohamed khẳng định, các doanh nghiệp của Malaysia cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết để giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với chứng nhận Halal hơn.

“Seagame 31 sắp tới được tổ chức tại Việt Nam sẽ tiếp đón nhiều khách du lịch có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm được chứng nhận Halal. Đây sẽ là cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia để xây dựng một hệ sinh thái Halal xứng với tiềm năng giữa hai nước”, Bộ trưởng Mohamed Azmin Ali phân tích thêm.

Tiềm năng của Việt Nam trong thị trường Halal còn nhiều hứa hẹn

Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt ở thị trường Halal có dư địa lớn bởi hiện vẫn còn khoảng trống tới 80% giữa nhu cầu và nguồn cung sản phẩm Halal trên thế giới. Trong đó khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới).

Tổng giá trị thực phẩm Halal tiêu thụ tại các khu vực trên là 470 tỷ USD (năm 2018), trong đó riêng Đông Nam Á là 230 tỷ USD.

Tại hội nghị về "Thị trường Halal khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội", tổ chức ngày 20/12/2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, Việt Nam nằm trong khu vực có tập trung đông nhất số người Hồi giáo trên thế giới nên có rất nhiều cơ hội cho thị trường Halal.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

“Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực với 16 hiệp định thương mại tự do là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu trong đó có các thị trường Halal”.

“Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal với hơn 20 mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường này. Một con số khiêm tốn so với tiềm năng. Có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có chứng nhận Halal, trong khi tiềm năng và năng lực của Việt Nam trong thị trường này có nhiều hứa hẹn”, Thứ trưởng Dũng nói thêm.

Trong khi đó, Malaysia đang nổi lên như một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về ngành công nghiệp Halal. Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp và Thương mại Malaysia (DTI) Dato Zulkifel Mahmood cho biết nước này đã nỗ lực để trở thành một thủ đô toàn cầu cho ngành công nghiệp Halal vào năm 2020, bằng cách cung cấp các dịch vụ cho các công ty trong và ngoài nước để tham gia vào ngành công nghiệp Halal ở Malaysia, như cấp chứng chỉ sản phẩm Halal, cơ sở hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Nhiều công ty nước ngoài đang coi Malaysia là một trung tâm của ngành công nghiệp Halal, điểm xuất tiến cho các thị trường Đông Nam Á.

Do vậy, việc Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghệ Halal đóng một vai trò quan trọng cho Việt Nam “phá đá mở đường” thị trường này. Nhất là khi Việt Nam có nhiều loại nông sản thế mạnh: gạo, rau quả, chè, cà phê, tiêu, điều, quế, hồi được đánh giá rất phù hợp với thị trường Halal.

Thông tin về thị trường Halal ở Malaysia, ông Trần Việt Thái, đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng cho biết, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại Malaysia như gạo, rau củ quả, hạt điều hiện chưa thể thâm nhập thị trường.

“Việt Nam cần có một đầu mối thống nhất để phát triển thị trường Halal. Chính phủ Malaysia luôn bày tỏ sự quan tâm kết nối với các nhà xuất khẩu Việt Nam nhưng gặp khó khăn khi không tìm được đầu mối thống nhất. Do vậy, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đưa ra một đầu mối thống nhất để thuận lợi cho việc kết nối”, ông Thái đề xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp