Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hơn 30 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

XNK Việt nAM
12:20 - 29/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo ngày 29/4 của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022 Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 35 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam, khoảng 37 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4 ước đạt 65,45 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 242,19 tỷ USD, tăng 16,1%. Trong đó xuất khẩu tăng 16,4%; nhập khẩu tăng 15,7%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,77 tỷ USD, chiếm 75%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,77 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,59 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 74%.

Trong 4 tháng đầu năm, các nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 89% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Đứng thứ 2 là nông sản, lâm sản chiếm 6,8%; hàng thủy sản chiếm 2,9%; hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%.

Nhìn chung các mặt hàng công nghiệp trong 4 tháng đầu năm đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021. Top 3 mặt hàng công nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng này là điện thoại và linh kiện đạt 21 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng phụ tùng khác đạt 13 tỷ USD.

Về nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản, thủy sản vẫn giữ vị trí đầu khi đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng cà phê cũng tăng trưởng khả quan khi tăng gần 60%, đạt 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, các mặt hàng như rau quả, hạt điều, chè và gạo lại ghi nhận xu hướng giảm.

Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, khoảng 4%, đạt 5,4 tỷ USD; cao su tăng 10%, đạt 869 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 32,19 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 tăng 15,5%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,97 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,86 tỷ USD, tăng 16,4%.

Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,2%,; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%.Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%,

Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu ô tô của Việt Nam ghi nhận giảm nhẹ, khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt trị giá kim ngạch là 2,7 tỷ USD với 16.800 chiếc.

Về mặt hàng nông lâm thủy sản, nhập khẩu thủy sản, rau quả và sữa đều tăng, lần lượt là 7%, 11% và 23%. Trong khi đó nhập khẩu hạt điều giảm tới 35%.

Về mặt hàng phân bón lại ghi nhận tăng trưởng lớn, đạt 625 triệu USD, tăng tới 73% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, xăng dầu tăng ở mức 146%, đạt 3,5 tỷ USD.

Thời gian qua, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung nguyên liệu xăng dầu cũng như các loại phân bón.

Nga hiện là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên Nga thời gian trước đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung nguyên liệu dầu khí.

Động thái cấm xuất khẩu Amoni Nitrat (NH4NO3) thời gian trước từ phía Nga cũng tác động lớn đến giá phân đạm toàn cầu, đẩy giá lên mức cao. Hiện nay, sản lượng Amoni Nitrat xuất khẩu Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn cầu thế giới. Điều đó đã ảnh hưởng đến giá nhập khẩu phân bón vào Việt Nam thời gian qua.

Xuất siêu hơn 1 tỷ USD trong tháng 4

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước đạt 30,9 tỷ USD, xuất siêu EU ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 18 tỷ USD, tăng 2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 15,2 tỷ USD, tăng 58,3%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 15,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 790 triệu USD, tăng 57,7%.

Tháng 4 ước tính xuất siêu 1,07 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,73 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp