VietCapital Bank mạnh tay đẩy lãi suất huy động lên 8,4%/năm

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:01 - 03/10/2022
VietCapital Bank mạnh tay đẩy lãi suất huy động lên 8,4%/năm
0:00 / 0:00
0:00
Đã qua thời kỳ lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ trên 7%/năm, hiện nhiều ngân hàng đang đồng loạt đẩy mức lãi suất lên hơn 8%, thậm chí cao nhất là 8,4%/năm đối với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tại ngân hàng VietCapital Bank.

Mặt bằng lãi suất huy động thời gian gần đây liên tục biến động mạnh, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất thêm 1%. Đầu tháng 10, Cake by VPBank đã chính thức nâng mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường với 8,2%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn 36 tháng.

Tuy nhiên, ngân hàng "chơi lớn" nhất hiện tại phải kể đến ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) khi kể từ ngày 3/10, ngân hàng đã triển khai sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm đối với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Ngoài ra, các khoản tiền gửi từ 10 triệu đồng trở lên cũng sẽ nhận được lãi suất lần lượt từ 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 7,8%/năm với kỳ hạn 9 tháng và lần lượt 8% và 8,2%/năm cho kỳ hạn 12 và 15 tháng.

Hiện tại, đây là mức lãi suất huy động vốn cao nhất của các ngân hàng thương mại thời điểm này. Ngoài VietCapital Bank, một số ngân hàng cũng đang có mức lãi suất trên 8% khác là DongABank với mức lãi suất tối đa lên tới 8,1%/năm kèm điều kiện khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỷ đồng trở lên trong thời hạn 13 tháng.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng vừa điều chỉnh lên mức cao nhất 8%/năm dành cho tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng...

Đến thời điểm này, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, bao gồm cả các ngân hàng thương mại Nhà nước, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên 5%/năm, như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB, Sacombank, ACB, Techcombank, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBANK…

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Áp lực với lãi suất cho vay

Trước thực trạng lãi suất huy động tăng cao như hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã có sự thay đổi tại 1 số ngân hàng. Trong đó lãi vay cao nhất hiện nay thuộc về ACB với 15% cho khoản vay lãi ngày kỳ hạn trung và dài hạn (tài sản đảm bảo khác bất động sản).

Cùng loại vay này, nếu có tài sản đảm bảo là bất động sản thì lãi vay là 14%/năm. Lãi vay thấp nhất tại ACB là 9,5%/năm cho ngắn hạn, có đảm bảo bằng bất động sản.

Các ngân hàng khác cũng ghi nhận lãi vay tăng cao với SCB là 9,6%/năm và TPBank dao động từ 7,1% - 8,6%/năm, mốc lãi vay 7,1% được áp dụng cho lãi suất cơ sở kỳ hạn một tháng. Kỳ hạn 3-6 tháng lần lượt là 7,9% và 8%.

Tương tự, Nam A Bank điều chỉnh lãi vay là 8,6% đối với kỳ hạn vay trung và dài hạn.

Ngân hàng SHB, lãi suất cho vay dao động từ 7,85% - 9,1%. Trong đó, các kỳ hạn vay càng dài, lãi suất vay càng cao. Chẳng hạn kỳ hạn bằng và dưới 6 tháng là 7,85%/năm. Trên 6 và dưới hoặc 12 tháng là 8,15%. Dưới 36 tháng lãi vay là 8,7%. Trong đó, cao nhất 9,1% cho kỳ hạn vay lớn hơn hoặc bằng 60 tháng.

Lãi suất cho vay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp càng trở nên thận trọng, đặc biệt là trong giai đoạn nước rút cuối năm. Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM cho biết trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, để giữ ổn định lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao là các ngân hàng thương mại cần tiết giảm các loại chi phí, cấu phần tạo nên lãi suất cho vay.

Cùng ý đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng nhận định, dù tăng lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước không điều hành lãi vay, vì đây là thoả thuận giữa ngân hàng và người vay.

Tin liên quan

Đọc tiếp