VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng

VIETINBANK Việt nAM
09:58 - 10/04/2022
VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank-mã CTG) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2022, trong đó đặt mục tiêu lợi nhuận trên 19.300 tỷ đồng, đồng thời muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi phân phối để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Về kế hoạch kinh doanh, đại diện VietinBank cho biết, 2022 được xác định là năm bản lề để VietinBank thúc đẩy tăng trưởng đột phá, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi trong trạng thái bình thường mới, toàn hệ thống sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để triển khai các trọng tâm kinh doanh, bám sát các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Cụ thể, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo phê duyệt của ngân hàng Nhà nước. Nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu đặt mục tiêu dưới 1,8%.

Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của NHNN. Theo đó, lợi nhuận năm 2022 của VietinBank có thể đạt trên 19.300 tỷ đồng.

Trong đó, liên quan các giải pháp phát triển kinh doanh năm 2022, VietinBank sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai các chủ điểm kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đột phá, bám sát các mục tiêu chính là: Tăng trưởng tín dụng chọn lọc đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, chú trọng tăng trưởng thị phần các phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán lẻ. Chuyển dịch cơ cấu kỳ hạn của nguồn vốn theo hướng tăng CASA, tăng tiền gửi kỳ hạn ngắn, tối ưu hóa chi phí huy động bình quân, thực hiện tiết giảm mạnh chi phí vốn đầu vào

Bên cạnh đó, VietinBank cũng đẩy mạnh thu ngoài lãi, trong đó tập trung thúc đẩy sản phẩm phí, kinh doanh ngoại tệ, bảo lãnh, bảo hiểm. Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng tốc độ số hóa để tối ưu hiệu quả sử dụng các nguồn lực, gia tăng trải nghiệm của khách hàng, thực hiện đồng bộ trên toàn hệ thống. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường thu hồi nợ xấu và nợ xử lý rủi ro.

2022 được xác định là năm bản lề để VietinBank thúc đẩy tăng trưởng đột phá

2022 được xác định là năm bản lề để VietinBank thúc đẩy tăng trưởng đột phá

Về phương án phân phối lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận còn lại có thể chia cổ tức của VietinBank là 9.624 tỷ đồng. VietinBank sẽ trình cổ đông cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu với toàn bộ phần lợi nhuận sau khi trích quỹ này. Nếu thực hiện được kế hoạch, vốn điều lệ của ngân hàng có thể tăng lên gần 57.700 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo VietinBank cho biết quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 chính thức sẽ dựa trên cơ sở ý kiến phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế, năm 2021, VietinBank đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ lên 48.057 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2020.

Ngoài ra, tại phiên họp sắp tới, ban lãnh đạo VietinBank sẽ trình cổ đông thông qua việc niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022 của ngân hàng trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sau khi kết thúc các đợt chào bán.

Mới đây, VietinBank cũng đã công bố báo cáo tiến độ sử dụng hơn 6.513 tỷ đồng thu được từ chào bán trái phiếu ra công chúng. Theo đó, ngân hàng đã sử dụng toàn bộ vốn huy động được này để cho vay với các doanh nghiệp, cá nhân trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt (4.777 tỷ); công nghiệp chế biến chế tạo (1.485 tỷ) và khai khoáng (250 tỷ).

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7%. Đáng nói năm ngoái, ngân hàng đã chủ động cắt hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí và thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Quy mô tổng tài sản tại thời điểm ngày 31/12/2021 của ngân hàng này đạt con số 1.531 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank đạt 1.131 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng ở mức vừa phải do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu tín dụng sụt giảm.

Nguồn vốn huy động của VietinBank năm 2021 tăng 17,3% lên hơn 1.161 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn CASA thị trường 1 được cải thiện, tăng hơn 20% so với năm 2020. Tỷ trọng CASA tăng từ 19,6% năm 2020 lên hơn 20% năm 2021.

Đặc biệt, trong năm 2021, VietinBank đã trích lập hơn 90% số dự phòng phải trích lập theo Thông tư 03, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 180%, cao hơn 37% so với năm 2020. Từ đó giúp VietinBank nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế.

Năm 2021, VietinBank cũng được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam. Trong những năm qua, chuyển đổi số đã trở thành một trong những trọng tâm chiến lược phát triển của ngân hàng này. VietinBank triển khai các giải pháp công nghệ số hiện đại để cung cấp ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính toàn diện, phù hợp với nhu cầu của các phân khúc khách hàng, đạt bước tiến dài trên hành trình chuyển đổi số.

Tin liên quan

Đọc tiếp