Vietjet Air và 'cơn khát vốn' để phục hồi sau đại dịch

Vietjet Hàng KHông
15:50 - 06/06/2022
Vietjet là hãng bay hiếm hoi báo lãi trong 2 năm Covid-19.
Vietjet là hãng bay hiếm hoi báo lãi trong 2 năm Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã chứng khoán VJC) là một trong 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021. Trong năm qua, hãng bay này đã trả gần 800 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 77% so với năm trước đó.

Theo Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý 1/2022 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, Vietjet là công ty phát hành trái phiếu lớn thứ 17 trong danh sách 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021. Tổng giá trị phát hành là 7.000 tỷ đồng.

Phát hành hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021 và quý 1/2022

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vietjet năm 2021, nợ vay của công ty tại thời điểm cuối năm là 15.460 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm gần 3.000 tỷ đồng còn nợ dài hạn tăng vọt từ 1.347 tỷ đồng lên 8.140 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn tăng chính là từ phát hành trái phiếu, kỳ hạn dài nhất là 60 tháng lãi suất 9,5%, còn ngắn nhất là 36 tháng lãi suất 7,8%.

Đầu năm 2022, Vietjet tiếp tục chào bán thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức trong nước với kỳ hạn 36 tháng, ngày đáo hạn là 30/12/2024. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, trả lãi 6 tháng/lần.

Như vậy, hãng hàng không này đã huy động tổng cộng 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng một năm qua. Nhà đầu tư mua vào đều là một tổ chức trong nước không phải ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư. Vốn từ các đợt phát hành được Vietjet trình bày là dùng để đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định, thiết bị, công cụ dụng cụ… nhằm tăng cường năng lực khai thác vận tải hàng không và phát triển các hoạt động kinh doanh khác.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, nợ phải trả của Vietjet tăng hơn 6.000 tỷ trong 3 tháng đầu năm, lên mức 41.090 tỷ đồng. Trong đó vay ngắn hạn chiếm 8.532 tỷ đồng; vay và phát hành trái phiếu dài hạn chiếm 11.008 tỷ đồng (đây là khoản tăng mạnh nhất). Chi phí lãi vay trong quý là 339 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 khoản này chỉ là 119 tỷ đồng.

Dự kiến huy động gần 14.000 tỷ đồng trong năm 2022

Thị trường hàng không nội địa có sự hồi phục mạnh mẽ khi lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019. Chỉ riêng tháng 4, thị trường hàng không nội địa đạt 3,6 triệu khách, tăng ấn tượng 19% so với tháng 4 năm 2019. Như vậy, các đường bay quốc nội, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hầu như phục hồi.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế khi 4 tháng đầu năm 2022 mới đạt khoảng 7% so với cùng kỳ 2019 và cả năm 2022 dự kiến chỉ đạt gần 1/3 so với trước dịch. Bên cạnh đó, việc giá dầu những tháng đầu năm tăng dựng đứng cũng chồng thêm khó khăn cho các hãng trong giai đoạn đầu phục hồi.

Vietjet hiện là hãng hàng không duy nhất đến thời điểm này báo lãi. Trong quý 1/2022, VJC báo lãi 244 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2021 và doanh thu đạt 4.522 tỷ đồng, tăng 12%. Tuy nhiên, con số lãi này chủ yếu nhờ doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính bù đắp lên đến 1.160 tỷ đồng. Còn về mảng kinh doanh cốt lõi, Vietjet tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp tới gần 257 tỷ đồng. Trong năm 2021, doanh thu tài chính cũng cứu Vietjet Air khỏi thua lỗ.

Chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” mới đây, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến ngành hàng không trong 2 năm qua. Sang năm 2022, dù đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn có nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, việc bảo đảm nguồn vốn để phát triển giai đoạn hậu Covid-19 là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không.

Sau 2 năm chống chọi với đại dịch, các đơn vị trong ngành hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không như cảng hàng không, phục vụ mặt đất, xăng dầu, quản lý bay cũng hỗ trợ nhiều cho các hãng hàng không Việt Nam thông qua việc cho thanh toán chậm, giãn nợ, hoãn nợ...và điều này cũng khiến tình hình tài chính của các đơn vị này bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó là giá nhiên liệu sau một giai đoạn dài giữ ổn định ở mức thấp đã liên tục tăng và chưa có tín hiệu giảm nhiệt. Việc giá nhiên liệu Jet A1 trên 160 USD/thùng, tăng gần 30% so dự kiến và chiếm trên 40% chi phí khai thác gây áp lực chi phí lên hoạt động của các hãng.

Đối với Vietjet, hãng hàng không này đã thể hiện rõ sự “khát vốn” khi dự kiến huy động gần 14.000 tỷ đồng từ bán trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu VJC. Cụ thể, ĐHĐCĐ Vietjet ngày 28/5 vừa qua đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi theo hình thức riêng lẻ hoặc ra đại chúng. Tổng giá trị phát hành là 6.960 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD khi tính theo tỷ giá 23.200 đồng/USD.

Cổ đông Vietjet cũng thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 54,16 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phiếu VJC đang lưu hành. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vietjet kỳ vọng đợt chào bán 10% vốn này sẽ mang lại cho công ty 300 triệu USD, tương đương 6.960 tỷ đồng.

Như vậy, nếu hoàn tất các kế hoạch, Vietjet sẽ huy động thêm gần 14.000 tỷ. Số tiền này được dự kiến sử dụng để đầu tư và thuê mua tàu bay, đầu tư và thuê mua động cơ, bổ sung thanh khoản và vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Năm 2022, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, lượng khách hàng đạt 18 triệu lượt. Với xu hướng phục hồi tích cực của thị trường và triển vọng kinh tế toàn cầu, dự báo thị trường hàng không nước ta trong năm nay và sang năm 2023 sẽ có những phục hồi mạnh mẽ.

Do đó, mục tiêu của Vietjet cũng không phải là quá xa vời. Tuy nhiên, việc tăng cường vay nợ sẽ không khỏi ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Tổng nợ phải trả của Vietjet tại ngày cuối quý 1 năm nay là 41.091 tỷ đồng, chiếm 70,6% tổng nguồn vốn.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico (SVC Group) – đơn vị liên quan mật thiết với Vietjet cũng được điểm tên trong danh sách phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021, với tổng giá trị phát hành 8.000 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Holdings, thành viên SVC Group) là cổ đông lớn thứ 3 tại Vietjet với tỷ lệ nắm giữ 7,6%. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Vietjet từng là Chủ tịch HĐQT của Sovico Holdings.

Cổ đông lớn nhất của Vietjet hiện nay là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny với tỷ lệ sở hữu 28,6%. Công ty này được thành lập vào ngày 2/11/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Giám đốc và đại diện theo pháp luật. Hiện nay bà Thảo không còn là Giám đốc của Hướng Dương Sunny nhưng cá nhân bà vẫn là cổ đông lớn của Vietjet.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.