Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn và xin Chính phủ hỗ trợ thêm

Hàng KHông VIETNAM AIRLINES
18:20 - 28/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 28/6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, thông qua phương án tăng vốn điều lệ, phấn đấu có lãi trong năm nay.

Tại đại hội, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ, 5 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường khách nội địa tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.

Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Theo dự báo gần nhất (tháng 6/2022), IATA dự báo thị trường quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024. Thị trường quốc tế của Vietnam Airlines dự kiến cũng không nằm ngoài khả năng này.

Sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá thị trường Việt Nam sẽ có nhiều tích cực vì Chính phủ đã mở cửa trở lại, nối lại các đường bay nội địa và một số đường bay quốc tế.

Tuy nhiên, thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn vì diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, hiệu quả vaccine suy giảm mạnh cùng với giá nhiên liệu đầu vào tăng cao.

Công ty dự báo lượng khách di chuyển sẽ chủ yếu là người Việt, chuyên gia. Nhóm khách nước ngoài chiếm 90% tổng số khách hàng của hãng vẫn chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines dẫn lại dự báo thị trường hàng không thế giới đến cuối năm 2024 mới phục hồi.

Thua lỗ nặng do ảnh hưởng của dịch Covid

Tại đại hội, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn nhất để lại những hậu quả lâu dài nhất cho ngành hàng không.

Các hãng hàng không chỉ có thể khai thác được 60 - 70% công suất đội tàu bay. Dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào hai mùa cao điểm quan trọng, đó là dịp Tết và cao điểm hè. Thời điểm đó, thị trường vận tải nội địa gần như “đóng băng” suốt nhiều tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các công ty có vốn góp của Tổng công ty.

Năm 2021, Vietnam Airlines vận chuyển được 6,13 triệu lượt khách, tuy nhiên, vẫn suy giảm 56,6% so với năm 2020. Kết quả, công ty mẹ giảm lỗ 1.062 tỷ đồng, hợp nhất giảm lỗ 1.280 tỷ đồng so với kế hoạch báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Dù vậy, quy mô sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tiếp tục thu hẹp khiến kết quả sản xuất kinh doanh rơi vào tình trạng thua lỗ nặng, tăng lỗ so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin thêm về tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines năm 2021, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết: "Lỗ lũy kế năm 2021 của hãng đã xấp xỉ 1 tỷ USD, việc này đã ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu và dòng tiền hoạt động kinh doanh. Với giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có việc được phép phát hành cổ phiếu giúp vốn chủ sở hữu không âm trong năm 2021 nhưng đến hết quý I/2022, doanh nghiệp vẫn âm vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp vẫn lỗ ròng gần 2.613 tỷ đồng".

Nếu kết thúc năm 2022, lợi nhuận Vietnam Airlines không chuyển dương thì nỗi lo "án treo" hủy niêm yết bắt buộc vẫn hiện hữu. Để khắc phục vấn đề trên ông Hiền cho biết Vietnam Airlines đã xây dựng đề án để tháo gỡ khó khăn, trong đó có những giải pháp như có thể tăng vốn hoặc thu nhập để thoát âm vốn chủ sở hữu. Ông kỳ vọng đề án sẽ sớm được các cơ quan quản lý phê duyệt.

Đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản

Về đề án tái cơ cấu, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn và xin thêm hỗ trợ từ Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu. Thứ hai sẽ là bán các tài sản. Vietnam Airlines sẽ đổi mới nhanh hơn đội tàu bay để giảm chi phí, tăng chất lượng dịch vụ. Công ty đã lên kế hoạch bán 29 tàu bay để hỗ trợ khắc phục hậu quả của Covid-19.

Ban Chủ tịch Vietnam Airlines.

Ban Chủ tịch Vietnam Airlines.

Về nguồn tiền duy trì hoạt động, dòng tiền của Vietnam Airlines đang cải thiện rất nhanh. Hiện bình quân 1 ngày thu về 80% số tiền so với trước dịch mặc dù thị trường quốc tế mới phục hồi khoảng 20%.

Công ty đã có phương án xây dựng dòng tiền để duy trì khả năng thanh toán. Ngoài ra, hãng hàng không này cũng đã đạt được những thỏa thuận với các chủ nợ để giãn thời gian thanh toán với các khoản nợ. Vì vậy, dòng tiền vẫn được đảm bảo và duy trì hoạt động một cách bình thường.

Về việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thực hiện chủ trương được cơ quan nhà nước phê duyệt, Vietnam Airlines chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.

Tổng giám đốc Lê Hồng Hà cho biết Vietnam Airlines sẵn sàng mở cơ hội với nhà đầu tư vào Pacific Airlines khi trong phương án tái cơ cấu hãng này, Vietnam Airlines đặt tỉ lệ nắm mức 30% hoặc 0% vốn.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022

ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng nhưng công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Ngoài ra, Vietnam Airlines đặt kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa.

Chia sẻ thêm về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho hay, hiện tại giá dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường gây nặng gánh chi phí. Nếu giá nhiên liệu duy trì ổn định như những năm trước, Vietnam Airlines có thể chỉ còn lỗ 2.000-3.000 tỷ đồng, thay vì mục tiêu lỗ ròng như kế hoạch đặt ra.

Đến tháng 7, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Từ tháng 11 tới các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023 có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.

Nhiệm vụ trọng tâm của Vietnam Airlines năm nay đó chính là tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong đó doanh nghiệp hàng không này sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu, cùng với đó là chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên. Hiện Vietnam Airlines có 19 công ty con và 2 công ty liên kết.

Tại đại hội, lãnh đạo Vietnam Airline cũng cho biết năm 2022, công ty đang cố gắng đảm bảo thu nhập của cán bộ công nhân viên bằng 60% so với năm 2019. Do khó khăn nên hiện 30% người lao động của đơn vị này đang nghỉ việc dài hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp