VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,5%

KINH TẾ Việt nAM
16:05 - 19/07/2022
VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,5%
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhờ tiêu dùng nội địa trong quý II/2022, chuyên gia VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%.

Tăng trưởng GDP quý III/2022 vượt 10% so với cùng kỳ

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước, đây là tốc độ tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital đã có bài phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam quý II và III/2022.

Theo đó, chuyên gia VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%.

Ảnh tác giả

"Chúng tôi tin rằng có khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7,5% trong năm nay. Hơn nữa, tăng trưởng GDP trong quý III có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm trước khi so sánh với mức nền thấp của quý III/2021"

Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital.

Song, theo ông ông Michael Kokalari, cảnh báo duy nhất cho triển vọng rất khả quan đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam là GDP của Hoa Kỳ đang chậm lại. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng mới nhất của Đại học Michigan đã chỉ ra rằng, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam” như ti vi, đồ nội thất và điện thoại thông minh,...

Ngoài ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khoảng 50% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn khoảng 23% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2022.

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ giảm xuống khoảng 10% vào cuối năm do nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng chậm lại", Kinh tế trưởng VinaCapital nhìn nhận.

Hình 1: Tăng trưởng doanh số bán lẻ Việt Nam

Bên cạnh đó, GDP của Việt Nam đã tăng từ 5,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021, lên 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù thặng dư ngân sách của Chính phủ Việt Nam tăng hơn gấp đôi từ 2,2% GDP trong nửa đầu năm 2021, lên mức ước tính 5% GDP trong nửa đầu năm 2022.

Theo chuyên gia VinaCapital, đây là một yếu tố làm chậm mức độ tăng trưởng nền kinh tế nhưng đã được bù đắp lại sự gia tăng của doanh thu bán lẻ thực (doanh số bán lẻ được điều chỉnh sau lạm phát) từ mức tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021 lên mức tăng trưởng 7,9% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Triển vọng lạm phát ổn định nhờ giá dầu

Bài phân tích cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư đang tập trung về làn sóng lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu, tuy nhiên lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn, chỉ 2,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6. Tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam xuất phát từ khả năng sản xuất dư lương thực của Việt Nam để cho người dân.

Vì thế, ảnh hưởng chính đến lạm phát ở Việt Nam là do giá dầu toàn cầu tăng vọt, cho nên việc giá dầu giảm gần đây sẽ giúp các nhà đầu tư có thể yên tâm về quỹ đạo lạm phát có thể xảy ra ở Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022.

Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường nhằm hỗ trợ giá xăng dầu vào ngày 1/4 và ngày 11/7. Theo đó, giá xăng bán lẻ đã giảm tổng cộng khoảng 10%, mặc dù giá xăng hiện vẫn tăng gần 40% so với cùng kỳ. Điều quan trọng là ngay cả sau những đợt cắt giảm thuế này, Chính phủ vẫn có khả năng giảm giá xăng dầu thêm 26%, điều này sẽ làm giảm khoảng -1,5% điểm so với mức CPI của Việt Nam.

Theo đó, ông Michael Kokalari đưa ra 4 kịch bản lạm phát năm 2022. Cụ thể:

Ở kịch bản duy trì, quỹ này dự báo mức lạm phát đạt đỉnh sẽ là 5% và trung bình cả năm đạt 3,2% nếu giá dầu duy trì tại mức 120 USD và giá gạo, giá thịt lợn giữ nguyên.

Trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu tăng từ 120 USD lên 130 USD nhưng giá gạo và thịt lợn được giữ nguyên thì lạm phát trung bình cả năm của Việt Nam tăng lên 3,5%.

Ở kịch bản lạm phát tiếp diễn, giá dầu tăng từ 120 USD lên 130 USD, giá gạo và thịt lợn tăng 10% so với cùng kỳ, lạm phát cả năm dự báo đạt 3,8%.

Trong trường hợp xấu nhất giá dầu chạm ngưỡng 150 USD, giá gạo và thịt lợn tăng thêm 10% đến cuối năm, lạm phát lương thực (loại trừ gạo và thịt lợn) tăng 8% đến cuối năm, lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức 8%, trung bình cả năm ở mức 4,5%.

"Điểm quan trọng nhất mà chúng tôi muốn đưa ra là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có khả năng duy trì tốt trong phạm vi 4% mà NHNN nhắm đến, nên rất khó có khả năng cơ quan này tăng lãi suất chính sách trong năm nay - trái ngược với tất cả thị trường mới nổi trong khu vực đều đang tăng lãi suất".

Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital.

Ngoài ra, mức lạm phát khiêm tốn của Việt Nam cũng đã hỗ trợ một phần cho giá trị của Đồng Việt Nam, vốn đã mất giá chỉ 3% so với đầu năm, mặc dù giá trị của USD tăng 13% so với đầu năm, dựa trên chỉ số DXY.

Tin liên quan

Đọc tiếp