'VN-Index đang ở vùng cân bằng, sẽ kích thích dòng tiền vào thị trường'

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
09:00 - 21/01/2023
Theo ông Lê Hoàng - TGĐ Quỹ Bông Sen, VN-Index hiện tại đang ở trạng thái cân bằng, ở trạng thái này, chúng ta có thể kích thích được dòng tiền vào thị trường.
Theo ông Lê Hoàng - TGĐ Quỹ Bông Sen, VN-Index hiện tại đang ở trạng thái cân bằng, ở trạng thái này, chúng ta có thể kích thích được dòng tiền vào thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ khi lập đỉnh 1.524 điểm vào phiên 4/4/2022, TTCK đã liên tiếp trải qua những đợt biến động mạnh và hiện dao động quanh vùng 1.100 điểm. Vậy đây đã là mức định giá “rẻ” của VN-Index và đủ để hấp dẫn dòng tiền?

Năm 2022 ghi nhận sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán do nhiều yếu tố bất định tác động như việc FED liên tục tăng lãi suất, các vụ lùm xùm liên quan đến thao túng cổ phiếu, đổ vỡ niềm tin ở thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, đây có thể là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư bắt đáy tầm nhìn trung và dài hạn.

Trao đổi với MekongASEAN về diễn biến và triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2023, ông Lê Hoàng - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Bông Sen, Lotus Capital đã có những chia sẻ và nhận định của mình.

Mekong ASEAN: Xin ông cho biết những nhận định về tình hình vĩ mô thế giới và trong nước có thể tác động lên thị trường chứng khoán trong năm 2023?

Ông Lê Hoàng: Để đánh giá được tình hình vĩ mô trong nước và thế giới có thể tác động lên thị trường chứng khoán trong năm 2023 thì ta nên dành một ít phút để nhìn lại bối cảnh năm 2022.

Tình hình vĩ mô thị trường tài chính của năm 2022 được đại diện bởi việc lãi suất tăng cao, room tín dụng bị thắt chặt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng và niềm tin nhà đầu tư giảm sút.

Bốn yếu tố này sẽ khó có thể mất đi trong năm 2023. Việc tăng lãi suất của FED và lạm phát tại Mỹ, Châu Âu và các quốc gia khác có thể sẽ giảm trong năm 2023, tuy nhiên mức độ giảm sẽ không thể nhanh và mạnh được. Ngày 14/12 vừa qua, Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, sau 4 lần nâng 75 điểm cơ bản trước đó, đưa mức lãi suất hiện nay lên khoảng 4,25-4,5%. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12/2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ở trong nước, năm 2022 dự kiến GDP tăng trưởng ở mức 8%, mới đây quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ ở mức 6,5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Điều này cho thấy chính phủ rất thận trọng khi nhìn nhận về thị trường và đã lường hết những khó khăn và tồn tại của năm tới.

Tôi đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 sẽ khó có thể tăng đột biến như giai đoạn 2020 – 2021 trong bối cảnh cạn kiệt dòng tiền mới và sẽ chỉ dao động quanh thời điểm quý 4/2022.

Chứng khoán sẽ chỉ tăng được khi có dòng tiền mới đi cùng với nhiều thông tin vĩ mô tích cực. Như đã phân tích ở trên, để có thông tin vĩ mô tốt ở thời điểm này không đơn giản, bên cạnh đó, dòng tiền cũng sẽ tiếp tục bị siết chặt, do vậy thị trường sẽ khó có sự đột phá trong năm tới.

Mekong ASEAN: VN-Index ở quanh mốc 1.000 điểm được đánh giá là định giá rẻ. Tuy nhiên để thu hút dòng tiền vào thì theo ông cần thêm những điều kiện gì?

Ông Lê Hoàng: Chúng ta nhìn nhận Index rẻ là so với đỉnh 1.500 điểm đầu năm 2022, thực tế tại thời điểm này, mốc 1000 điểm tôi tin là mức cân bằng của thị trường. Trong giới đầu tư chúng tôi, mức cân bằng có nghĩa là với lượng tiền và tình hình vĩ mô như hiện tại, thì chỉ số VN-Index sẽ chỉ dao động quanh mức này.

Nếu bây giờ VN-Index mà rẻ, thì những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt sẽ rút tiền ở kênh khác để rót vào chứng khoán. Đây là dòng tiền mới đổ vào thị trường, làm tăng khối lượng giao dịch, tăng thanh khoản và hệ quả là làm tăng điểm VN-Index.

Thời điểm này thanh khoản tăng chưa đáng kể, số lượng nhà đầu tư mới còn hạn chế, tín hiệu vĩ mô và kết quả kinh doanh vẫn được nhìn nhận một cách thận trọng, thì VN-Index vẫn chưa được đánh giá là rẻ, mà chỉ giao động ở mức cân bằng này.

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy chứng khoán là thu hút thêm dòng tiền vào thị trường, đặc biệt là trái phiếu.

Về trái phiếu, khi nhà đầu tư đi rút trái phiếu trước hạn, một dòng tiền lớn sẽ chảy ra khỏi doanh nghiệp. Nếu như dòng tiền này vào thị trường chứng khoán thì sẽ rất là tốt, tuy nhiên sau 6 tháng cuối năm 2022, dòng tiền trái phiếu chảy ra khỏi doanh nghiệp nhưng không quay trở lại thị trường chứng khoán mà vào các kênh tiết kiệm hay các kênh đầu tư khác.

Doanh nghiệp thiếu vốn và cần một nguồn vốn bổ sung tuy nhiên room tín dụng thì bị siết lại. Vì vậy để thị trường chứng khoán có thể đi lên, thì dòng tiền mới phải vào, và ách tắc trái phiếu phải được khơi thông.

Mekong ASEAN: Thời kỳ “tiền rẻ” đi qua là một trong những nguyên nhân khiến chứng khoán giảm sâu trong năm 2022. Vậy nhìn sang năm 2023, ông đánh giá như thế nào về chuyển động dòng tiền và cơ hội cho thị trường chứng khoán?

Ông Lê Hoàng: Lãi suất tỷ lệ nghịch với đầu tư, khi mà lãi suất tăng cao, việc đầu tư sẽ bị cắt giảm. Thời kì tiền rẻ là thời kì mà nhà đầu tư sử dụng tiền ở lãi suất thấp để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản...

Để có cái mức lãi suất phù hợp như vậy để đầu tư vào chứng khoán, ta cần kiểm soát các chỉ số như CPI, mặt hàng thiết yếu... Quan trọng là nhà đầu tư vay được tiền với tỷ giá lãi suất rẻ. Hiện tại lãi suất ở nước ngoài đang tăng cao, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ưu tiên rút tiền về gửi ngân hàng ở nước ngoài để hưởng lãi suất đó.

Lãi suất ở thị trường quốc tế phải giảm, thì lãi suất ở Việt Nam mới có thể giảm được. Lúc đấy chúng ta mới có lại một dòng tiền mạnh hơn. Chúng ta không hy vọng tiền rẻ như giai đoạn 2020-2021 mà chỉ chờ vào một lãi suất phù hợp, đủ để kiểm soát lạm phát và đủ để kích thích phát triển kinh tế.

Mekong ASEAN: Các quỹ ngoại đang có dấu hiệu trở lại thị trường Việt Nam sau một thời gian rút ròng. Theo ông dòng tiền này liệu có tiếp tục tích cực trong năm 2023?

Ông Lê Hoàng: Đây là điều rất tích cực trong năm 2023. Như ta đã biết, quỹ ngoại đã quay trở lại mua ròng sau thời gian dài bán mạnh. Việc tăng lãi suất ở nước ngoài về cơ bản đã được kiềm chế và dừng lại, dòng vốn sẽ bắt đầu quay trở lại việt nam.

Như tôi đã giải thích ở trên, VN-Index hiện tại đang ở trạng thái cân bằng, ở trạng thái này, chúng ta có thể kích thích được dòng tiền vào thị trường. Đối với quỹ đầu tư, người ta kỳ vọng lợi nhuận ở mức vừa phải, phương thức đầu tư an toàn. Khi đó ngưỡng lợi nhuận ở quanh VN-Index hiện tại đã đáp ứng tiêu chuẩn của các quỹ đầu tư.

Các quỹ ngoại thường mua với số lượng lớn, việc quỹ đầu tư quay trở lại thị trường là tín hiệu rất tích cực cho chứng khoán năm 2023. Đây cũng sẽ là động lực để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đẩy vào thị trường.

Mekong ASEAN: Theo ông, nhóm cổ phiếu nào có khả năng dẫn dắt thị trường trong năm 2023?

Ông Lê Hoàng: Trong năm 2023, các nhóm cổ phiếu có khả năng hút dòng tiền là các nhóm ngành phục hồi tốt sau đại dịch và có triển vọng dài hạn. Điển hình là ngành hàng không. Sau 2 năm đại dịch, ngành này đã suy thoái quá nhiều, tuy nhiên đây là thời điểm mà hàng không sẽ có sự hồi phục mạnh trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân trong nước và quốc tế trở lại bình thường.

Các ngành điện, cao su và dược phẩm cũng khá triển vọng. Ngành điện ít chịu tác động bởi yếu tố đầu vào. Ngành cao su sẽ hưởng lợi lớn khi thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, trong bối cảnh ngành công nghiệp xe hơi nước này đang phát triển mạnh. Còn ngành dược có tiềm năng rộng mở khi Việt Nam có quy mô thị trường lớn nhưng phần khai thác còn khiêm tốn.

Mekong ASEAN: Trong năm qua, niềm tin của nhà đầu tư đã sụt giảm nhiều. Theo ông đây có phải là một trong những khó khăn của thị trường trong thời gian tới?

Ông Lê Hoàng: Tâm lý nhà đầu tư đóng một vai trò quan trọng đối với thị trường chứng khoán, trong thời gian qua, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tin đồn, điều này đã dẫn tới hiện tượng bán tháo cổ phiếu trên diện rộng trong thời gian vừa qua.

Nếu nhà đầu tư có niềm tin, tin đồn sẽ không có đất sống. Nhưng mà trong giai đoạn vừa rồi, khi trái phiếu doanh nghiệp bị khủng hoảng, thì đây chính là khủng hoảng của niềm tin. Khi 1 hay 10 nhà đầu tư đến rút trái phiếu trước hạn thì doanh nghiệp có thể đáp ứng được, nhưng cả trăm cả nghìn nhà đầu tư tới rút thì doanh nghiệp sẽ mất thanh khoản.

Như trường hợp của ngân hàng SCB, đây phải nói là một sự khủng hoảng niềm tin, người ta cảm thấy bất an thì người ta đến người ta rút, thậm chí người ta đến rút không cần lãi, chỉ mong lấy lại gốc.

Thị trường chứng khoán trong nhiều năm trở lại đây bị chi phối bởi tin đồn. Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng ta phải thực hiện công bố thông tin một cách minh bạch ngay khi tin đồn nhen nhóm, dập tắt trước khi nó có thể lan tỏa lên thị trường.

Mekong ASEAN: m ơn ông về cuộc trao đổi!

Đọc tiếp