VN-Index giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 7, mã BCM ngược dòng tăng trần

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:16 - 22/08/2022
VN-Index giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 7, mã BCM ngược dòng tăng trần
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch đầu tuần ngày 22/8 chịu áp lực xả hàng của hầu hết các mã vốn hóa lớn khiến VN-Index giảm gần 9 điểm, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ giữa tháng 7 đến nay.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 22/8, thị trường chứng kiến đà giảm khá mạnh, tuột khỏi mốc 1.265 điểm trước áp lực bán tại nhóm vốn hóa lớn.

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,75 điểm (-0,69%) xuống 1.260,43 điểm. HNX-Index giảm 3,21 điểm (-1,08%) xuống 294,73 điểm. UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,59%) xuống 92,22 điểm.

Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.842 tỷ đồng, giảm 0,4% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 3,2% và ở mức 13.140 tỷ đồng. Các nhóm ngành có sự phân hóa mạnh, cụ thể:

Rổ VN30 chỉ có MWG, BVH và POW giữ được sắc xanh, trong khi đó VIC, BID, VCB, VHM, HPG, GVR,... lại lao mạnh, tác động tiêu cực lên thị trường chung.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phân hóa nhưng nghiêng về chiều hướng tiêu cực. VCB và BID đều "rực lửa", lần lượt mất đi 1,11% và 2,29% giá trị. Nhiều cổ phiếu cũng giảm khá mạnh như VIB giảm 2,72%, HDB giảm 3,05%, TPB giảm 1,76%, OCB giảm 2,79%. Ở chiều ngược lại, MBB, SHB, EIB tăng nhẹ, duy chỉ có SSB tăng lên đến 4%.

Tương tự, tại nhóm chứng khoán, SSI giảm 1,79%, VND giảm 1,99%, VCI giảm 2,45%, HCM giảm 1,6%, BSI giảm 1,93%. Trong khi đó, VIX tăng 1,37%, AGR tăng 3,61%, ORS tăng 0,65%.

Với các cổ phiếu bất động sản, áp lực giảm diễn ra mạnh mẽ, DIG giảm 6,27%, DXG giảm 3,45%, TCH giảm 2,51%, DXS giảm 3,74%, ITA giảm 3,1%, HBC giảm 2,1%, SCR giảm 4,47%, KHG giảm 6,08%, HHV giảm 4%, FLC giảm 5,68%...

Đáng chú ý, trong phiên hôm nay, mã BCM của Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex rực sáng với mức tăng kịch trần sau chuỗi 7 phiên liên tiếp giao dịch phập phù kể từ ngày 11/8/2022. Kết phiên giao dịch 22/8, mã này bất ngờ được đẩy lên mức giá trần 85.600 đồng, áp sát đỉnh cũ 86.000 đồng lập được trong phiên 5/5/2022 - thời điểm trước khi thị trường chứng khoán lao dốc mạnh.

Như vậy, tính chung kể từ thời điểm tạo đáy ngắn hạn phiên 8/7, cổ phiếu BCM đã có nhịp tăng mạnh trong hơn 1 tháng trở lại đây với mức tăng 45%. Phiên giao dịch hôm nay cũng đã nâng thanh khoản của cổ phiếu này bật lên hơn 700.000 đơn vị. Trong khi, trước đó, khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất của cổ phiếu này chỉ ở mức gần 200.000 đơn vị.

Chứng khoán tuần này: Áp lực bán sẽ gia tăng

Nhận định về thị trường tuần này, các chuyên gia cho rằng, sau 6 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường bắt đầu cho thấy những áp lực và rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang ngày một tăng lên khi nhiều cổ phiếu đã chững lại và chịu áp lực bán lớn kể cả khi chỉ số tăng điểm.

Theo CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nhiều cổ phiếu đã hết động lực hồi phục. Các hoạt động giao dịch ngắn hạn "T+" đang dần rơi vào tình trạng có lãi ít hoặc thua lỗ nhiều hơn là có lợi nhuận.

“Thị trường và nhiều cổ phiếu đang đối mặt với áp lực điều chỉnh ngắn hạn và chúng tôi cho rằng những nhà đầu tư ngắn hạn đã giảm tỷ trọng trong tuần này nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm trước khi nghĩ tới ý định gia tăng tỷ trọng trở lại”, TVSI nhận định.

Tương tự, theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong tuần này, thị trường có thể tiếp tục sự giằng co theo xu hướng giảm. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định hỗ trợ MA10 ngày tại 1.265 điểm.

Nếu lực bán tiếp tục áp đảo lực mua tại hỗ trợ, VN-Index có thể sẽ giảm sâu hơn về vùng hỗ trợ của đường MA20 ngày tại khu vực quanh 1.240-1.250 điểm để tìm điểm cân bằng.

Đọc tiếp