VN-Index giảm sâu sau chuỗi tăng điểm liên tiếp, HPG vẫn hút mạnh vốn ngoại

HPG VN INDEX
16:13 - 30/01/2023
VN-Index giao dịch tiêu cực từ đầu phiên.
VN-Index giao dịch tiêu cực từ đầu phiên.
0:00 / 0:00
0:00
Sau chuỗi tăng điểm liên tiếp giúp VN-Index phục hồi từ vùng dưới 1.000 điểm lên vùng 1.100 điểm, VN-Index đã có phiên điều chỉnh mạnh. Mặc dù vậy, HPG vẫn vững bước đi lên nhờ được hỗ trợ từ dòng vốn ngoại.

Chỉ số sàn HoSE kết phiên ở mốc 1.102,57 điểm, tương ứng giảm gần 15 điểm so với kết phiên thứ Sáu tuần trước. HNX-Index và UPCoM có diễn biến ngược lại khi hai sàn này đều tăng điểm nhẹ. Thanh khoản cải thiện đáng kể với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khá tích cực bởi trong những tuần giao dịch trước Tết Nguyên đán, thị trường chỉ loanh quanh mức 9.000-10.000 tỷ đồng.

Một tín hiệu tích cực nữa là trong phiên thị trường giảm điểm, khối ngoại vẫn duy trì mua ròng hơn 700 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số gần 3.700 tỷ đồng giao dịch). HPG vẫn tiếp tục nhận được lực cầu lớn từ dòng vốn ngoại với giá trị mua ròng 248 tỷ đồng, là mã được mua ròng mạnh thứ 2 trong phiên hôm nay, sau chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Hai mã chứng khoán đầu ngành là SSI và VND cũng được mua ròng lần lượt 71 và 49 tỷ đồng.

Danh sách mua ròng của khối ngoại còn có HDB, HCM, POW, FRT, VIC… Ngược lại, DGC là mã bị bán ròng mạnh nhất với 34 tỷ đồng, tiếp sau là BMP, KDC, VNM, VHM, PTB…

Nhờ lực đỡ từ khối ngoại nên HPG tiếp tục có phiên tăng giá (1,2%) lên mức 21.750 đồng. Từ mức đáy 12.000 đồng hồi đầu tháng 11/2022, cổ phiếu của Hòa Phát đã phục hồi 76%. Mặc dù vừa ghi nhận quý lỗ kỷ lục nhưng dường như nhà đầu tư đang kỳ vọng đây chính là mức đáy lợi nhuận để doanh nghiệp bứt phá thời gian tới.

Phía Hòa Phát cho biết, đầu năm 2023, xuất khẩu thép của công ty đã đón tín hiệu vui với nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Campuchia… Thời gian giao hàng trong tháng 1/2023, hàng được xuất từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Hòa Phát Hải Dương.

Tại nhóm VN30, ngoài HPG thì HDB cũng tăng mạnh 3,1%. SSI, KDH, MWG, POW tăng nhẹ.

Chiều ngược lại, nhiều bluechip giảm 2-3% như ACB, STB, VCB, VHM, VIC, VPB, VJC kéo giảm gần 17 điểm của chỉ số VN30.

Nhờ sự tích cực của HPG nên thép là một trong số ít nhóm giữ được sắc xanh khi kết phiên. Nhóm xây dựng và nông nghiệp cũng đón nhận dòng tiền vào tốt hơn, tuy nhiên mức vốn hóa chỉ tăng nhẹ dưới 1%.

Ngược lại, ngân hàng là gánh nặng nhất khiến chỉ số lao dốc. Toàn nhóm mất 2% vốn hóa, trong đó “anh cả” VCB tác động tiêu cực nhất khi giảm 3,3%. Ngoại trừ HDB, các mã lớn đều giảm từ 2-3% trong khi chiều tăng chỉ còn 3 mã nhỏ là BAB, NAB, SGB.

Nhóm bất động sản cũng là trở lực lớn cho VN-Index khi giảm 1,5% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân do sức kéo của các mã lớn như bộ đôi VHM và VIC giảm lần lượt 3,4 và 2,5%; BCM, VRE, KBC, KSF, HDG… Tuy nhiên, nhiều mã penny vẫn ghi nhận tăng trần, tăng mạnh như BII, HDC, HQC, ITA, TDH, PTL, NDN, NBB, DIG, HUT, CEO…

Nhìn chung sau chuỗi tăng điểm liên tiếp, việc VN-Index điều chỉnh dưới áp lực chốt lời là diễn biến bình thường. Việc thanh khoản gia tăng kèm theo động lực từ khối ngoại chưa giảm sút, sóng tăng ngắn hạn của thị trường khả năng vẫn chưa kết thúc. Nếu VN-Index kiểm lại chắc chắn vùng 1.100 điểm, cơ sở đi lên sẽ vững vàng hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp