VN-Index 'khai xuân' tưng bừng, HPG vẫn được khối ngoại gom mạnh dù lỗ nặng

HPG VN INDEX
16:30 - 27/01/2023
Giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE phiên 27/1.
Giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE phiên 27/1.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index có phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch với diễn biến tích cực. Nhóm cổ phiếu ngành than đồng loạt tăng trần, HPG vẫn tăng giá nhờ lực đỡ từ khối ngoại dù báo cáo tài chính vừa ra cho kết quả u ám.

Kết phiên 27/1, VN-Index tăng 9 điểm lên mốc 1.117,10 điểm. HNX-Index tăng 0,9 điểm còn UPCoM tăng 1,01 điểm. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 11.500 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại chiếm hơn 2.500 tỷ đồng và tiếp tục mua ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Dòng vốn ngoại ghi nhận vào ròng mạnh nhất ở HPG của Tập đoàn Hòa Phát với hơn 175 tỷ đồng. VIC cũng được mua ròng hơn 91 tỷ đồng, HCM 65 tỷ đồng. FRT, SSI, VND, VCI cùng được mua ròng hơn 30 tỷ đồng. Ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất gần 68 tỷ đồng. CTG, VCB, DGC cùng bị bán ròng hơn 30 tỷ đồng.

VIC là mã có tác động tích cực nhất đến thị trường với mức tăng 3,1%. Hai mã còn lại của Vingroup là VHM và VRE cũng tăng hơn 2%. Trong nhóm VN30, các mã tăng đáng kể còn có BVH, GAS, GVR, SAB, TPB, VIB.

HPG mặc dù đón nhận thông tin tiêu cực từ kết quả kinh doanh quý 4/2022 (lỗ 2.000 tỷ đồng) nhưng nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại nên vẫn kết phiên với mức tăng 1,7% dù trong phiên có lúc giảm giá do áp lực bán lớn. Đây vẫn là cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản với hơn 26 triệu đơn vị được giao dịch.

Chiều giảm, tác động tiêu cực nhất là 2 mã lớn ngân hàng BID và CTG khi giảm lần lượt 3% và 2,4%. PDR cũng giảm 3,2%, còn NVL, SSI, STB, TCB, VNM giảm nhẹ.

Xét về nhóm ngành thì nhóm than là “tưng bừng” nhất. NBC, TVD, TDN, TC6, MDC, HLC, THT đồng loạt khoe sắc tím ngay khi mở cửa và duy trì đến tận kết phiên.

Phiên thăng hoa của cổ phiếu ngành than được đặt trong bối cảnh thị trường giao dịch phấn khởi trong phiên giao dịch đầu năm Quý Mão và hàng loạt công ty công bố kết quả tăng trưởng mạnh trong quý 4/2022.

Tăng trưởng mạnh nhất trong quý 4/2022 là Than Cọc Sáu (TC6) với lợi nhuận gấp 10 lần cùng kỳ. Điều này là do biên lợi nhuận tăng mạnh lên 33% trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ ở mức 9%.

Kế đó là Than Cao Sơn (CST) báo lãi ròng 168 tỷ đồng, tăng trưởng 154% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng tăng mạnh lên 13%.

Trong khi đó, Than Vàng Danh báo doanh thu thuần 2.2 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 148 tỷ đồng, tăng tương ứng 49% và 105% so với cùng kỳ. Than Hà Tu (THT) và Than Núi Béo (NBC) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng tương ứng 96% và 70%.

Nhóm xây dựng cũng ghi nhận nhiều mã tăng trần, tăng mạnh như KBC, HTN, LCG, SC5, LCD, TTL, VC6... Tiếp theo là nhóm dầu khí với sự bứt phá của BSR với việc tăng 6,9%, PVE +6,5%, POS +6%, PVB và OIL tăng hơn 3%.

BSR của CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn được hỗ trợ bởi thông tin tích cực từ báo cáo tài chính quý 4/2022. Thay vì ước lỗ như thông báo trước đó, Lọc hoá dầu Bình Sơn vẫn có lãi trong quý cuối cùng của năm 2022.

Cụ thể, trong quý 4 doanh thu thuần đạt 40.430 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.498,6 tỷ đồng, giảm 44,4% so với quý 4/2021. Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần đạt 167.123 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 14.450 tỷ đồng, tăng 115% so với năm ngoái tương đương EPS đạt 4.661 đồng.

Đa số các nhóm còn lại như nông nghiệp, vận tải kho bãi, bất động sản, bán lẻ, thiết bị điện… đều tăng điểm. Ngược lại, ngân hàng và chứng khoán là hai nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số nhưng mức giảm không lớn.

Nhìn chung, dù thị trường chứng khoán thế giới cũng như trong nước vừa trải qua một năm nhiều biến động mạnh nhưng phiên khai Xuân Quý Mão không khác với những phiên khai Xuân trước đây. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, tâm lý nhà đầu tư khá hứng khởi. Tâm lý này khả năng vẫn tiếp tục duy trì trong các phiên tới để VN-Index có cơ hội tiệm cận ngưỡng kháng cực 1.130 điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp