VN-Index tiến sát ngưỡng 1.250 điểm, HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất

HPG VN INDEX
16:02 - 03/08/2022
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch 3/8/2022.
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch 3/8/2022.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hôm nay dù chịu nhiều rung lắc do áp lực chốt lời, nhưng vẫn đứng vững nhờ sự hỗ trợ của 3 dòng trụ cột là ngân hàng, chứng khoán và thép. Đáng chú ý là khối ngoại trở lại gom HPG sau một thời gian ròng rã xả cổ phiếu này.

Diễn biến của VN-Index hôm nay khá giống phiên hôm qua, đó là chỉ số giằng co ở ngưỡng tham chiếu trong suốt phiên sáng và đầu phiên chiều. Nhưng từ sau 14h, lực mua tung ra mạnh mẽ giúp thay đổi cục diện. Với việc tăng hơn 8 điểm, VN-Index chỉ còn cách chút xíu nữa là chinh phục ngưỡng 1.250 điểm. HNX-Index cũng tăng 2,2 điểm, còn UPCoM tăng 0,2 điểm. Thanh khoản vẫn giữ ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt 20.155 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng duy trì giao dịch khả quan với tổng giá trị hơn 2.500 tỷ đồng và mua ròng gần 700 tỷ đồng. HPG là mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị 174 tỷ đồng. Đây là động thái khá tích cực dành cho cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát. Bởi trong nửa đầu năm nay, HPG luôn là cái tên bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường, với giá trị lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 163 triệu đơn vị.

VCB, SSI cũng được mua ròng trên 100 tỷ đồng, tiếp sau là CTG, VHC, VRE, BID, VHM, SAB… Ngược lại, mã chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 171 tỷ đồng, MSN ở vị trí thứ hai với 38 tỷ đồng. Danh sách bị khối ngoại bán ròng còn có KBC, TCH, NVL, VCI…

Xét về mức độ đóng góp riêng lẻ thì HPG là mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số khi tăng 3,7%, đóng góp 1,7 điểm cho chiều tăng của VN-Index. Đây cũng là mã có giao dịch sôi nổi nhất với hơn 58 triệu đơn vị được mua bán.

VN-Index có khả năng đối diện nhịp rung lắc khi gặp cản ở ngưỡng 1.250 điểm.

VN-Index có khả năng đối diện nhịp rung lắc khi gặp cản ở ngưỡng 1.250 điểm.

Không chỉ cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát, nhóm thép hôm nay dẫn đầu chiều tăng với tỷ lệ toàn nhóm +3,4%. Trong đó, NKG của Nam Kim và HSG của Hoa Sen tăng trần. Nhiều mã nhỏ tăng 5-10% như TNS, TVN, VGS, TLH, SMC.

Cổ phiếu nhóm thép phục liên tục tăng giá những phiên gần đây sau khi đã chiết khấu sâu từ 50-70%. Trong khi các doanh nghiệp trong ngành đều đã ra báo cáo tài chính quý 2 với lợi nhuận sụt giảm thê thảm - đúng như nhận định của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long. Tin xấu đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu nên có lẽ đây là thời điểm cổ phiếu thép phục hồi kỹ thuật hoặc tạo đáy để chuẩn bị đón những thông tin mới.

Ngoài thép thì nhóm chế biến thủy sản, nông nghiệp, chứng khoán, xây dựng cũng có mức tăng tốt. Tăng nhẹ hơn là các nhóm hóa chất, ngân hàng, dầu khí… Trong khi đó, bất động sản lại đảo chiều giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu thuộc “họ FLC” sau phiên tăng mạnh hôm qua lại quay đầu giảm. Chỉ còn HAI ở chiều tăng, trong khi ROS giảm sàn, FLC, AMD, KLF đều giảm hơn 2%. Đây có thể là tác động của thông tin tiêu cực về việc ROS của FLC Faros sẽ bị đình chỉ giao dịch vì chậm nộp báo cáo tài chính quý 2/2022.

Theo FLC Faros, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Tuy nhiên, công ty chưa thể phát hành báo cáo tài chính quý 2 theo đúng thời hạn do chưa được Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Phía FLC Faros đã có công văn xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 bởi lý do bất khả kháng. Tuy nhiên trong thông báo phát đi ngày 2/8 của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), đơn vị này sẽ đình chỉ giao dịch với cổ phiếu ROS theo quy định.

Tin liên quan

Đọc tiếp