VN-Index tiếp tục giảm điểm nhưng thanh khoản tăng mạnh, CII vẫn gây chú ý

CII VN INDEX
15:58 - 11/08/2022
VN-Index giảm điểm do áp lực bán mạnh vào cuối phiên.
VN-Index giảm điểm do áp lực bán mạnh vào cuối phiên.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hứng khởi từ đầu phiên nhờ tác động từ thông tin chỉ số CPI tháng 7 của Mỹ giảm. Tuy nhiên, sự hưng phấn không thắng nổi tâm lý chốt lời khiến thị trường bao trùm sắc đỏ khi đóng cửa.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE lùi 4,5 điểm so với kết phiên hôm qua, về mốc 1.252,07 điểm. HNX-Index cũng giảm 3,3 điểm còn UPCoM giảm 0,39 điểm. Điều tích cực là thanh khoản vượt trội so với mức trung bình trong quý 2/2022, đạt tổng giá trị giao dịch 22.536 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng tích cực hơn với giá trị giao dịch hơn 2.200 tỷ đồng, đồng thời mua ròng 75 tỷ đồng. Trong đó, SSI là mã được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh nhất (67 tỷ đồng), sau đó là HDB, VND, CTG, STB, PVD, VRE… Ở chiều ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất (105 tỷ đồng). VCI, HPG, VJC, APH… cũng là những mã bị bán ròng nhiều.

Trên đồ thị ngày, VN-Index tiếp tục tạo cây nến doji và phiên thứ 3 liên tiếp đi ngang trong biên độ hẹp 1.252-1.262 điểm. Đà tăng của VN-Index chững lại ở quanh ngưỡng điểm này do các trụ cột đều đã hết lực, trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chỉ nhận lực mua thăm dò là chủ yếu.

Nhóm chứng khoán giảm mạnh nhất do tâm lý chốt lời, sau khi nhiều cổ phiếu đã phục hồi 30-50% từ đáy. Nhiều mã giảm sâu 3-5% như APG, CTS, VDS, VCI, VIG, VIX. Chỉ có vài cổ phiếu ngược dòng là BMS, PHS, TCI. Đáng chú ý có DSC của CTCP Chứng khoán DSC tăng trần gần 15%, lên mức giá 21.900 đồng/cp. Từ 20/6 đến nay, DSC cũng phục hồi khá mạnh, từ vùng giá 11.000 đồng, tương ứng tăng gấp đôi giá trị.

Nhóm thép, ngân hàng, xây dựng, bất động sản cũng đồng loạt điều chỉnh. Tuy nhiên dòng tiền mua vào cũng bắt kịp dòng tiền bán nên tỷ lệ điều chỉnh không lớn. Ngoài ra trong các nhóm, dòng tiền cũng phân hóa hướng đến một số cổ phiếu lớn. Như tại nhóm ngân hàng, VCB, CTG, HDB, STB, TPB… vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên. Còn tại nhóm bất động sản, bộ ba nhà Vingroup là VIC, VHM, VRE trở thành trụ đỡ dù mức tăng cũng không lớn.

CII vẫn tăng tốt

Xét về cổ phiếu riêng lẻ thì CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM vẫn là cái tên đáng chú ý nhất khi tím lịm từ khi mở cửa; tuy nhiên đến cuối phiên cũng giảm nhiệt, chỉ còn tăng 2,2%.

CII cũng là một trong những mã phục hồi mạnh thời gian gần đây, từ vùng giá 16.000 đồng (27/6) lên 23.000 đồng (11/8). Nhưng so với mức đỉnh 58.000 đồng đã xác lập hồi đầu tháng 1 năm nay thì vẫn còn cách rất xa.

Diễn biến cổ phiếu CII trong 1 năm qua.

Diễn biến cổ phiếu CII trong 1 năm qua.

Thông tin mới nhất về CII là doanh nghiệp vừa bán thành công 10 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ 07/07-05/08/2022, với mục đích cân đối tài chính. Với thị giá trung bình giai đoạn trên là 18.500 đồng/cp, ước tính CII có thể thu về hơn 185 tỷ đồng. Đồng thời tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB giảm từ 37,52% (gần 37,6 triệu cổ phiếu) xuống còn hơn 27,5% (27,6 triệu cổ phiếu).

Trong quý vừa qua, doanh thu của Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM giảm nhẹ hơn 5% về mức 948 tỷ đồng, nhưng lãi gộp gần 453 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tiết giảm giá vốn bán hàng. Mặc dù doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm hơn 40% nhưng nhờ các chi phí thường xuyên được cắt giảm mạnh nên kết quả, CII mang về lợi nhuận sau thuế đạt gần 127 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CII đạt doanh thu gần 1.660 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 812 tỷ đồng. So với 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu giảm khoảng 15,5% nhưng lợi nhuận lại tăng vọt lên gấp 7 lần.

Song song với hoạt động kinh doanh thuận lợi, CII cũng công bố thanh toán đầy đủ nợ gốc trái phiếu trong năm nay và thanh toán trước hạn một phần các trái phiếu đến hạn vào năm sau. Tính từ đầu năm đến nay, công ty mẹ đã thanh toán tổng cộng hơn 1.450 tỷ đồng nợ gốc và lãi trái phiếu. Trợ lực cho động thái này là nhờ hoạt động thu phí giao thông bước vào giai đoạn ổn định trở lại và dự án cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ bắt đầu vận hành khai thác.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng SJC chưa ‘nguội’

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Giá vàng miếng đang niêm yết tại mốc 84 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.