VNDirect dự đoán MB được ưu tiên nới room 20% trong năm nay

NGÂN HÀNG Việt nAM
13:30 - 29/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém, các chuyên gia VNDirect nhận định nhiều khả năng MB sẽ được nới room tín dụng lên tới 20% năm 2022 trong kịch bản cơ sở, do quan điểm thận trọng về lạm phát và tăng trưởng tín dụng của NHNN.

Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam - MBBank (HoSE: MBB), Chứng khoán VNDirect cho rằng, MBBank khả năng được tăng trưởng tín dụng cao đến 20% trong năm nay, trong khi đó, cuối quý II/2022, tăng trưởng tín dụng của MBB đạt 14% so với đầu năm, gần với hạn mức 15% được cấp từ Ngân hàng Nhà nước.

Các chuyên gia VNDirect cho rằng tiêu chí sẽ bao gồm chất lượng tài sản, quy mô hoạt động cùng với việc hỗ trợ xử lý tổ chức tài chính yếu kém. Với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao (11,2%) và tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp (1,18%) vào cuối quý II/2022, MBB cũng đặt mục tiêu quản lý một tổ chức tài chính yếu kém trong năm nay.

Hoạt động cho vay bán lẻ giúp tăng trưởng tín dụng và cải thiện NIM

Trong quý II/2022, hoạt động cho vay tại MBBank tăng 25,5% so với cùng kỳ và 14,3% so với đầu năm, trong đó cho vay bán lẻ tăng trưởng 39,4% so với cùng kỳ.

VNDirect tin rằng, đây là kết quả của việc thu hút khách hàng nhờ các chương trình và chính sách mới như miễn phí chuyển khoản khi sử dụng ứng dụng, tài khoản số đẹp, miễn phí quản lý với khách hàng doanh nghiệp… Tăng trưởng cho vay bán lẻ sẽ giúp ngân hàng có mức tài sản sinh lãi cao hơn so với các ngân hàng khác.

Thêm vào đó, ngân hàng cũng tập trung phát triển dịch vụ Private và Priority nhằm nâng cao thu nhập, với mục tiêu đạt 2,8 triệu khách hàng năm 2026. Các chuyên gia VNDirect đánh giá cao chiến lược dài hạn này của nhà băng khi cho rằng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ gia tăng trong thập kỷ tiếp theo.

Trong năm 2021, số lượng người sử dụng ứng dụng App MB tăng lên 9,3 triệu người từ mức 3 triệu người vào cuối năm 2020 (tăng 210% so với cùng kỳ), số lượng giao dịch tăng lên 388 triệu từ mức 89,9 triệu năm trước (tăng 344% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, VNDirect dự báo CASA của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng nhờ việc áp dụng các nền tảng công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng trên ứng dụng. Điều này sẽ giúp chi phí vốn không tăng quá nhiều trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng do lạm phát và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác trong năm 2022.

MB tiếp tục duy trì chất lượng tài sản vững chắc

Theo VNDirect, MB đã áp dụng mô hình ba tuyến phòng thủ vào quản trị ngân hàng, đảm bảo tách bạch chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, tránh chồng chéo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của ngân hàng trong việc xác định, đánh giá, giám sát và kiểm soát rủi ro.

MB tin rằng 90-95% các khoản nợ tái cơ cấu sẽ có thể thu hồi trong giai đoạn 2022-2026. Thêm vào đó, ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với các khoản nợ tái cơ cấu này thay vì 30% theo quy định trong năm 2021.

Mặc dù chất lượng tài sản đã có sự giảm nhẹ vào cuối quý II/2022, với tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 1,18% từ mức 0,98% cuối quý I/2022 và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm về 221% từ mức 250% cuối quý I/2022. Tuy nhiên, đến hết quý II/2022, ngân hàng vẫn nằm trong top 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và top 3 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất.

Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, các chuyên gia VNDirect dự báo thu nhập từ lãi tại MB trong giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng 18,5% và 15,8% so với cùng kỳ dựa trên cho vay tăng trưởng 20% và 17,5%. Cùng với đó NIM của nhà băng cũng tăng ở mức 5% trong năm nay.

Về thu nhập ngoài lãi, các chuyên gia dự báo khoản lãi này cũng tăng 16,5% và 14,1% trong giai đoạn 2022-2023 nhờ vào việc tập trung bán chéo sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ và sự đóng góp của các công ty con sẽ giúp tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm và phí.

Ngoài ra, chi phí dự phòng tại MBBank sẽ tiếp tục giảm 7,9% trong năm nay nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao (221,4% vào cuối quý II/2022) và ngân hàng đã trích lập 100% dự phòng đối với các khoản nợ tái cấu trúc thay vì 30% như quy định từ năm 2021.

Qua đó, các chuyên gia dự báo, lợi nhuận ròng của MBB tăng 28,5% và 20,1% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-2023.

Trước đó, trong báo cáo phân tích về MBBank, chứng khoán SSI cũng cho biết, hiện MBB vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng bổ sung.

Với quan điểm thận trọng hiện tại về lạm phát và tăng trưởng tín dụng của NHNN, SSI đưa ra giả định tăng trưởng tín dụng 20% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở. Việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nếu có, có thể sẽ được thực hiện vào cuối năm. Điều này có thể sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2023.

Trong khi đó, chuyên gia ACBS lại kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng của MBBank sẽ ở mức 20-25%/năm để cân đối tốc độ tăng trưởng và duy trì tỷ lệ an toàn vốn 1 cách hợp lý. Qua đó, ACBS dự báo, tăng trưởng tín dụng tại nhà băng sẽ đạt 22%, cao hơn so với mức tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước là 14%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.