VNDirect: Hơn 33.600 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý III/2022

TRÁI PHIẾU BẤT ĐỘNG SẢN
19:26 - 21/07/2022
VNDirect: Hơn 33.600 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý III/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo VNDirect, trong quý III/2022, bất động sản sẽ là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ, tương đương 33.624 tỷ đồng. Song, hoạt động phát hành trái phiếu thu xếp dòng tiền của các DN nhóm này vẫn lặng như tờ.

Theo thống kê mới nhất trong báo cáo thị trường trái phiếu quý II của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong quý III/2022 dự kiến ở mức 64.696 tỷ đồng, tăng 82,7% so với quý trước và tăng 243,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TPDN đáo hạn của ngành Bất động sản (BĐS), Tài chính – Ngân hàng và lĩnh vực khác lần lượt chiếm 52,0%, 37,2% và 10,9%.

VNDirect cũng cho rằng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh phần lớn đến từ việc nhiều doanh nghiệp BĐS đã phát hành một lượng lớn trái phiếu với kì hạn ngắn (1-2 năm) trong giai đoạn 2020-2021.

Do đó, theo con số mà công ty này đưa ra, trong quý III/2022, BĐS sẽ là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,0% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 33.624 tỷ đồng, tăng 166,9% so với quý II/2022 và tăng 252,3% so với cùng kỳ.

Báo cáo của VNDirect cũng chỉ ra các doanh nghiệp BĐS có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý III/2022 sắp tới như Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), CTCP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (3.400 tỷ đồng).

Theo VNDirect, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn thứ hai với 37,2% tương đương 24.036 tỷ đồng, tăng 17,6% so với quý II và tăng 216,5% so với cùng kỳ năm trước. Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất gồm: Techcombank (HoSE: TCB) (5.000 tỷ đồng), LienVietPostBank (HoSE: LPB) (2.700 tỷ đồng) và Sacombank (HoSE: STB) (2.000 tỷ đồng).

Các ngành khác chiếm 10,9% với 7.036 tỷ đồng, tương ứng tăng 198,2% so với quý II và tăng 319,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp ngoài nhóm bất động sản và tài chính - ngân hàng có giá trị đáo hạn cao nhất như Tập đoàn Sovico (1.250 tỷ đồng), Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) (600 tỷ đồng) và Đầu tư Xây dựng Trung Nam (600 tỷ đồng).

Trong khi đó, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), giá trị TPDN đáo hạn của các doanh nghiệp BĐS năm 2022 sẽ đạt 123.400 tỷ đồng.Trong đó, tỷ trọng phần lớn đến từ nhóm doanh nghiệp BĐS không niêm yết chiếm 84,5%, và nhóm niêm yết chỉ chiếm 15,5%.

Thị trường trái phiếu bất động sản tiếp tục im ắng

Theo các chuyên gia, đặc điểm của thị trường trái phiếu Việt Nam là phát hành mới trả nợ cũ. Như vậy, với một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn sắp đến ngày đáo hạn trong quý III có thể sẽ buộc các doanh nghiệp suy nghĩ đến việc phát hành trái phiếu để trả nợ. Song, trên thực tế các doanh nghiệp BĐS đến nay dường như vẫn "án binh bất động".

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022 là khoảng thời gian tương đối trầm lắng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 23,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 176.867 tỷ đồng. Cụ thể, 170.672 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (giảm 19,5% so với cùng kỳ) và 6.196 tỷ đồng phát hành ra công chúng (giảm 68,5% so với 6 tháng đầu năm 2021).

Trong đó, Tài chính – ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trong 6 tháng đầu năm, chiếm 50,9% tổng giá trị phát hành, giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. Nhóm sản xuất và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 12,5% và 12,6% tổng giá trị phát hành trong 6 tháng đầu năm, giảm 2,6% và 52,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhóm ngành bất động sản chiếm 24% tổng giá trị phát hành, giảm mạnh 41% so với 6 tháng năm 2021.

Giá trị &tỷ lệ phát hành thành công TPDN theo tháng (tỷ đồng)/Nguồn:VNDirect Research.

Giá trị &tỷ lệ phát hành thành công TPDN theo tháng (tỷ đồng)/Nguồn:VNDirect Research.

Cũng theo số liệu mới nhất của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 2.850 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tài chính điện lực (EVN Finance; mã chứng khoán: EVF) là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ, chiếm 61% tổng giá trị. Hai đợt phát hành còn lại đến từ VCB phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm và BIDV phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm.

Như vậy, trong nửa đầu tháng 7, ngân hàng và công ty tài chính lại độc chiếm phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp BĐS sau khi dè dặt khởi động lại thị trường trái phiếu hai tháng qua, nay lại tiếp tục im lìm.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chỉ ra rằng, trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN ngăn ngừa rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo lành mạnh thị trường, các doanh nghiệp BĐS sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn trong vài quý tới, kết hợp với việc cần số tiền lớn nhằm phục vụ cho việc đáo hạn trong năm nay có thể làm gia tăng áp lực lên cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp này.

Song KBSV nhận định, điểm tích cực ở nhóm BĐS niêm yết là các doanh nghiệp quy mô lớn đang tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền, thông qua doanh số ký bán mới tăng mạnh trong đầu năm 2022 ở một số doanh nghiệp như: VHM 16.500 tỷ đồng, NVL 28.000 tỷ đồng (+62% YoY), NLG 7.880 tỷ đồng và DXG 400 tỷ đồng...

"Chúng tôi đánh giá nhóm BĐS niêm yết quy mô lớn hoàn toàn có khả năng trả nợ khi đến thời điểm đáo hạn TPDN tuy cũng chịu áp lực chung của ngành BĐS trong bối cảnh hiện tại. Còn đối với các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ sẽ cần thời gian để có các đánh giá chi tiết hơn'', nhóm phân tích KBSV cho biết.

Về tổng thể, KBSV khẳng định rằng đây là vấn đề chỉ tập trung cục bộ ở số ít doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ với sức khoẻ tài chính yếu kém.

Ngày 20/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Công văn số 7048/BTC-VP yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra trước ngày 31/7.

Bộ Tài chính cũng cho biết đang theo dõi sát danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm.

Việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành…cũng được cơ quan quản lý siết chặt.

Tin liên quan

Đọc tiếp