VNDirect: Ngân sách dồi dào giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

ĐẦU TƯ CÔNG NGÂN SÁCH
16:21 - 22/10/2022
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Theo VNDirect, ngân sách nhiều hơn cho phép Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói kích thích kinh tế trong những tháng cuối năm, bao gồm gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng.

Trong báo cáo vĩ mô cập nhật ngày 20/10, Chứng khoán VNDirect cho biết, đầu tư công đã đi đúng hướng trong tháng 9. Theo Tổng cục Thống kê, vốn Nhà nước thực hiện trong tháng 9/2022 (đầu tư công) tăng 7% so với tháng trước (và +45% so với cùng kỳ) lên 50.300 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, vốn thực hiện tăng 19,6% so với cùng kỳ lên 334.500 tỷ đồng, tương đương 58,7% kế hoạch cả năm. Trong năm 2022, nhóm phân tích duy trì dự báo rằng vốn Nhà nước thực hiện sẽ tăng 20-30% so với thực tế thực hiện vào năm 2021.

“Chúng tôi tin rằng đầu tư công sẽ tăng tốc trong những quý tới và trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023”, VNDirect nhận định.

Vốn thực hiện đầu tư công đã tăng 19,6% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. Nguồn: VNDirect
Vốn thực hiện đầu tư công đã tăng 19,6% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022.
Nguồn: VNDirect

Đi nhanh hơn nhờ ngân sách dồi dào

Theo VNDirect, đầu tư công sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố sau: Giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn đã cơ bản hoàn thành, giá vật liệu xây dựng thấp hơn giúp cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng, quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thành mục tiêu đầu tư công trung hạn.

Đặc biệt, ngân sách dồi dào sẽ là động lực để đầu tư công tăng tốc mạnh hơn. Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt khoảng 1,32 triệu tỷ đồng, đạt 94% chỉ tiêu cả năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặt khác, chi ngân sách Nhà nước chỉ tăng nhẹ 5,4% so với cùng kỳ lên khoảng 1,08 triệu tỷ đồng, đạt 60,9% mục tiêu cả năm. Kết quả là, ngân sách Nhà nước ghi nhận thặng dư khoảng 241.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, theo VnDirect.

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, ngân sách Nhà nước dồi dào tạo ra nhiều dư địa để sử dụng các công cụ tài khóa (thuế, phí) nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ đó giảm sức ép đối với chính sách tiền tệ và giúp duy trì sự đồng bộ của chính sách tiền tệ với định hướng hỗ trợ tăng trưởng của chính sách tài khóa hiện tại.

Tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2026. Nguồn: VNDirect
Tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2026.
Nguồn: VNDirect

Cũng nhờ dư địa tài khóa tương đối dồi dào, Chính phủ đã quyết định giảm thuế môi trường và thuế nhập khẩu xăng dầu để kiềm chế lạm phát. Cụ thể, Chính phủ đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) tổng cộng 3.000 đồng/lít và giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ 20% xuống 10%.

Ngoài ra, ngân sách nhiều hơn cho phép Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói kích thích kinh tế trong 6 tháng cuối năm, bao gồm giảm 2% thuế VAT, gói cấp bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng và gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 02/09, 55.000 tỷ đồng trong tổng số 350.000 tỷ đồng đã được giải ngân từ gói kích thích kinh tế, tương đương gần 16% tổng quy mô của gói. Những chính sách này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.

Ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Chỉ thị xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và năm 2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hai năm 2022-2023. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trước tháng 11 năm 2022; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia...

Tin liên quan

Đọc tiếp