VNDirect: Nhận diện triển vọng kinh tế 2023

KINH TẾ Việt nAM
11:48 - 03/12/2022
VNDirect: Nhận diện triển vọng kinh tế 2023
0:00 / 0:00
0:00
VNDirect kỳ vọng GDP sẽ tăng 6,7% năm 2023, cao hơn một chút so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ. Tuy nhiên bên cạnh các động lực, nhóm phân tích cũng đề cập đến một số yếu tố đầu kéo tăng trưởng đang chậm lại cùng một vài ẩn số khó dự báo.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 mới công bố, các chuyên gia CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt đỉnh trong quý 3/2022 và sẽ chậm dần từ quý 4/2022 do cầu thế giới yếu và hiệu ứng mở cửa sau Covid-19 nhạt dần. Theo đó, VNDirect dự báo rằng GDP có thể tăng 5,6% trong quý 4/2022, nâng mức tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,9%.

"Trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,7% so với cùng kỳ, cao hơn một chút so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,9%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,1% và dịch vụ tăng 7,3% so với cùng kỳ", báo cáo nêu.

Trong đó, VNDirect nhận định cũng nhận định những thuận lợi, khó khăn và những biến số có thể ảnh hưởng tới triển vọng vĩ mô Việt Nam năm 2023.

Du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ

Theo VNDirect, nhìn chung, hầu hết các quốc gia đều đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến phòng chống Covid-19, tuy nhiên chính sách Zero-Covid khiến việc đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt. Trước Covid-19, lượng du khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng dần các hạn chế đi lại kể từ quý 2/2023. Ngoài ra, kỳ vọng lượng khách du lịch đến Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á tiếp tục phục hồi tích cực trong năm 2023.

"Do đó, chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, tăng khoảng 195 % so với mức dự kiến năm 2022, đạt 55% của năm 2019 (trước Covid-19)", báo cáo nêu.

Sự phục hồi mạnh mẽ hơn của lượng khách du lịch quốc tế sẽ củng cố sự phục hồi của ngành dịch vụ trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu nội địa có thể giảm tốc do tác động của lạm phát và lãi suất tăng. Các hoạt động được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2023 bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, hoạt động vận tải và hoạt động vui chơi giải trí.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Các chuyên gia cũng nhận thấy xu hướng rõ nét rằng Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Để đạt được kế hoạch đầy tham vọng này, Chính phủ đã nới lỏng mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 tăng lên 4,5% so với cùng kỳ (mục tiêu năm 2022 là 4,0%) và dự báo mức thâm hụt ngân sách cao hơn trong năm 2023 là 4,5%, từ 4% của năm 2022.

Một yếu tố khác hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023, theo VNDirect là giá vật liệu xây dựng giảm trong những tháng gần đây. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép xây dựng trong nước giảm 19,7% so với mức đỉnh và giảm 6,7% so với cuối năm 2021.

Nhóm phân tích kỳ vọng giá vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới do nhu cầu yếu, giúp các doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

"Do đó, chúng tôi cho rằng vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20-25% so với số thực tế năm 2022", VNDirect dự báo.

Một số yếu tố đầu kéo tăng trưởng đang chậm lại

Tuy nhiên, các chuyên gia VNDirect cũng lưu ý nhiều thách thức đến từ ngoại cảnh và nội tại có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.

Xuất khẩu tăng trưởng có thể chậm lại do cầu thế giới suy yếu. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Fitch, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng được dự báo đạt 2,5% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 0,9% vào năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Đà tăng lãi suất điều hành quyết liệt của Fed sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và EU - đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2023. Việc mở cửa trở lại và nhu cầu nội địa phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc khó có thể bù đắp được nhu cầu tiêu dùng suy giảm tại Mỹ và châu Âu trong năm 2023.

"Do đó, chúng tôi cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023 và dự báo giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 9-10% so với cùng kỳ trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng dự báo của năm 2022 là 14%", VNDirect dự báo.

Giá trị nhập khẩu của Việt Nam, theo VNDirect, sẽ tăng 9-10% trong năm 2023, dựa trên các giả định giá hàng hóa toàn cầu tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng mạnh thời gian qua làm giảm nhu cầu đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu và nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất tăng chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Tuy nhiên, nhóm phân tích lại kỳ vọng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tăng lên 12 tỷ USD trong năm 2023 từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD năm 2022.

Áp lực lãi suất và tỷ giá còn kéo dài cho đến ít nhất là Q2/2023. Bước sang năm 2023, VNDirect nhận thấy áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến Q2/2023, sau đó sẽ giảm bớt đáng kể sau khi FED chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn.

Chúng tôi cho rằng NHNN có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023 do: Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 và chỉ số đồng USD có xu hướng giảm, lạm phát trong nước tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, NHNN có thể xem xét ưu tiên hơn về mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023.

Lạm phát sẽ tăng trong 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. VNDirect kỳ vọng lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2023, các yếu tố tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể giảm tốc trong nửa đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, mặc dù giá hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh nhưng tác động của việc đồng USD mạnh lên đối với giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn kéo dài đến Q3/23. Chính phủ có thể sẽ xem xét tăng giá các dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục trong năm 2023.

"Vì vậy, chúng tôi dự báo lạm bình quân của Việt Nam tăng 3,8% trong năm 2023, vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5% của Chính phủ", nhóm phân tích đánh giá.

Lập luận trên đưa ra khi VNDirect nhận thấy các yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023 bao gồm giá cả hàng hóa thế giới được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023 và NHNN thực hiện chính sách tiền tệ và cung tiền thận trọng để kiểm soát lạm phát.

Mùa đông đang đến với thị trường bất động sản. Nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản trong nước đang bước vào chu kỳ giảm, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn cho việc tìm cách đảo nợ do các quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thắt chặt tín dụng. Lãi suất vay mua nhà tăng kéo theo nhu cầu mua nhà giảm và nguồn cung mới sụt giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy tình trạng tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết hiện đang tốt hơn so với chu kỳ giảm lần trước.

"Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng chu kỳ giảm lần này sẽ có ít khốc liệt hơn và với thời gian ngắn hơn. Chúng tôi kỳ vọng việc luật Đất đai 2023 có hiệu lực từ nửa cuối năm 2024 sẽ giải quyết nút thắt trong phê duyệt các dự án khu đô thị mới, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ năm 2024-2025", báo cáo nhận định.

Vài ẩn số chưa dự báo được

Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và ổn định chính trị. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác và khu vực lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA, RCEP...

VNDirect dự báo vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 10-12% và vốn FDI giải ngân tăng 6-8% trong năm 2023.

Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy sự cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt và dường như Việt Nam đang tụt lại phía sau khi chưa có sự hiện diện mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện.

Các chuyên gia cho rằng, ngành xe điện và bán dẫn đang định hình dòng chảy FDI vào ASEAN. Những sự thay đổi lớn trong hai ngành này bao gồm: nhiều loại hình đầu tư mới xuất hiện, thêm các phân khúc mới trong chuỗi giá trị, mở rộng công suất và tăng cường mạng lưới phân phối trong khu vực.

Vì tiềm năng to lớn của hai ngành trong tương lai, các nước trong khu vực đều đã tích cực triển khai nhiều chính sách thu hút FDI trong chuỗi sản xuất này, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng xe điện.

"Việt Nam dường như đang chậm hơn so với các nước khác do không có chính sách thu hút rõ nét, điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong tương lai", VNDirect cảnh báo.

Lộ trình mở cửa và phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn đang là một biến số

Theo VNDirect, Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2023 do kế hoạch mở cửa trở lại vào T4/2023 có khả năng làm số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, kéo theo xu hướng mở cửa thận trọng hơn. Nhóm chuyên gia VNDirect giữ quan điểm thận trọng về triển vọng trong dài hạn của Trung Quốc do thị trường bất động sản suy thoái cũng như tiềm năng tăng trưởng chậm hơn. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế của Trung Quốc năm 2023 xuống 4,4% so với dự báo trước đó là 4,6%.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là một cú hích lớn cho ngành du lịch Việt Nam, vì du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019 (trước dịch Covid-19). Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng không sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của lượng khách du lịch từ Trung Quốc.

Việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.