VNDirect: Sẽ khó có thêm đợt tăng trưởng tín dụng tiếp cho các ngân hàng

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:57 - 21/09/2022
Một số ngân hàng đã được nới room, tuy nhiên NHNN vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14%
Một số ngân hàng đã được nới room, tuy nhiên NHNN vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14%
0:00 / 0:00
0:00
Theo ước tính của VNDirect, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm, tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN.

Tại Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng ngày 21/9, Chứng khoán VNDirect cho rằng, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sẽ ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm 2022.

Tín dụng đạt khoảng 13% vào cuối năm

Trong đợt nới room đầu tháng 9, NHNN đã ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MBB, HDB, VIB, Agribank...

Tính đến cuối tháng 8, tín dụng toàn ngành đã tăng mạnh 9,91% so với đầu năm tính, nhưng đà tăng đã chậm lại khi chỉ tăng thêm 0,47% kể từ quý II/2022.

Theo VnDirect, hạn mức tín dụng mới của các ngân hàng này (chiếm 80% tín dụng hệ thống), tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt gần 13% vào cuối năm, sát với mục tiêu 14% của NHNN (lưu ý rằng 20% thị phần tín dụng còn lại không được phản ánh trong tính toán của VNDirect).

Trước đó, đã có một số ý kiến đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng hệ thống lên 15-16%, tuy nhiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm 2022 như kế hoạch đầu năm.

VNDirect cho rằng, NHNN đang thận trọng trước những biến động và rủi ro có thể xảy ra khi mà Fed chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay và đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, cuối cùng là áp lực lạm phát. Cùng với đó, NHNN muốn ngăn chặn cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại khi nhu cầu tín dụng trong nước đang rất mạnh mẽ hiện nay.

"Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, chúng tôi thấy cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế," báo cáo viết.

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ cũng được ngân hàng và các doanh nghiệp quan tâm.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 8 mới chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng trong khi quy mô hỗ trợ lên đến 40.000 tỷ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân trong năm 2022.

VNDirect cho biết, việc triển khai gói cấp bù lãi suất 2% đang chậm hơn kế hoạch và sẽ rất khó để đạt được mục tiêu ban đầu là giải ngân 16.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Tuy nhiên, NHNN đã ban hành Văn bản số 6221/NHNN-TD vào đầu tháng 9 năm 2022 nhằm thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất nói trên.

Đáng lưu ý, đây là văn bản thứ hai trong vòng một tháng sau khi ban hành Chỉ thị số 03/CTNHNN ngày 16/08/2022 về thúc đẩy chương trình hỗ trợ này, do đó bộ phận phân tích VNDirect cho rằng tốc độ của gói hỗ trợ sẽ sớm được đẩy nhanh.

Cho vay bán lẻ là động lực cho các ngân hàng giai đoạn cuối năm

Thời gian tới, theo nghiên cứu của VNDirect, cho vay bán lẻ sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho các ngân hàng trong thời điểm khó khăn.

Kể từ tháng 4/2022, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo thắt chặt giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Bộ Tài chính đã và đang rà soát khung pháp lý với các điều kiện khắt khe hơn đối với các tổ chức phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành riêng lẻ, trong đó nêu bật một số trường hợp huy động sai mục đích.

Do đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn tăng trưởng chậm cho đến ít nhất là sang năm sau và điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và NIM nửa cuối năm nay của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng lớn.

Để vượt qua khó khăn nói trên, hầu hết các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ kể từ quý II/2022 để cân bằng rủi ro chất lượng tín dụng/tài sản và tối ưu NIM.

Trước bối cảnh tín dụng hạn chế và rủi ro NIM thu hẹp khi chi phí vốn của các ngân hàng sẽ không còn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới (do hệ quả của việc lãi suất tiền gửi tăng), VNDirect cho rằng, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực cho vay phù hợp để tối ưu lợi suất tài sản.

“NHNN đã có sự ưu ái hơn đối với các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao trong danh mục tín dụng để cấp thêm hạn mức tín dụng trong đợt vừa qua. Vì vậy, cho vay bán lẻ sẽ được ưu tiên và đây sẽ là lợi thế lớn đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc này để vượt qua rủi ro NIM thu hẹp nói trên. Bên cạnh đó, các ngân hàng với tỷ lệ CASA cao và thanh khoản dồi dào với hệ số LDR thấp sẽ tối ưu hóa được chi phí vốn và NIM của mình”, chuyên gia của VNDirect nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp