VNDirect: Tăng trưởng tín dụng tại Techcombank sẽ chậm lại vào cuối năm

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:49 - 06/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo VNDirect, tăng trưởng tín dụng của Techcombank sẽ chậm lại trong nửa cuối năm và đạt lần lượt 13,5% và 17% trong năm 2022 và 2023, trong đó cho vay cá nhân là động lực để ngân hàng cân bằng rủi ro trong năm nay.

Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB), Chứng khoán VNDirect cho biết, các quy định chặt chẽ trên thị trường vốn làm dấy lên lo ngại đối với Techcombank

Theo đó, vừa qua Chính phủ đã đặt mục tiêu kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) và giám sát chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đang được sửa đổi nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường vốn.

Do tỷ trọng cho vay BĐS và nắm giữ TPDN chiếm phần lớn trong danh mục tín dụng (lần lượt 67% và 11%), nhà đầu tư đã có những góc nhìn tiêu cực đối với Techcombank, dẫn đến giá cổ phiếu giảm mạnh 22% kể từ tháng 4/2022 (so với mức giảm khoảng 15% của toàn ngành ngân hàng).

Cân bằng rủi ro nhờ phân khúc cho vay cá nhân

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia VNDirect tin rằng TCB có đủ khả năng để vượt qua những rủi ro trên nhờ nền tảng vững chắc với tỷ lệ an toàn vốn cao nhất toàn ngành (CAR: 15,7%) và chất lượng tài sản lành mạnh (NPL 0,6% và LLR 171,6% cuối quý II/2022).

Mặt khác, Techcombank đã đa dạng hóa danh mục tín dụng của mình: tính đến cuối quý II/2022, dư nợ TPDN giảm 21,4% so với đầu năm trong khi cho vay cá nhân tăng 27% so với đầu năm (chiếm 46,6% so với mức 39,5% cuối năm 2021) chủ yếu nhờ cho vay mua nhà - phân khúc lợi suất hấp dẫn (chiếm 82% tổng cho vay cá nhân).

Theo quan điểm của VNDirect, điều này sẽ giúp Techcombank giảm thiểu rủi ro tín dụng cũng như chất lượng tài sản và duy trì NIM cao trong giai đoạn nửa cuối năm trở đi.

Trước đó, tại báo cáo cập về Techcombank của chứng khoán SSI Research cũng chỉ ra, TCB được hưởng lợi từ nguồn vốn liên ngân hàng chi phí thấp và tỷ lệ CASA được cải thiện (từ 34,5% vào năm 2019 lên 50,5% vào năm 2021). Tuy nhiên, dù tỷ lệ CASA vẫn có thể tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể sẽ giảm vào năm 2022, do sự đảo ngược trong xu hướng lãi suất huy động.

Với định hướng đẩy mạnh hoạt động cho vay mua nhà, TCB có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn tương đối cao so với các ngân hàng khác, và sẽ phải giảm tỷ lệ này vào năm 2023 để tuân thủ mức trần quy định là 30% từ 1/10/2023.

Do đó, tổng chi phí huy động sẽ cao hơn một chút vào năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà trong vòng 12 tháng sau thời gian ưu đãi sẽ được đảm bảo giữ ở mức tối đa là 9,5% đối với một số dự án nhất định.

Techcombank có nền tảng vững chắc bất chấp trở ngại

Với mối quan hệ bền chặt với các tập đoàn lớn tại Việt Nam (Vingroup và Masan) và tập trung vào khách hàng có thu nhập cao, rủi ro về chất lượng tín dụng và tài sản của TCB đã được đảm bảo và điều này đã được chứng minh khi bảng cân đối kế toán của ngân hàng luôn duy trì rất lành mạnh.

Tỷ lệ an toàn vốn CAR ghi nhận cao nhất trong số các ngân hàng. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản duy trì ổn định: tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,66% cuối 2021 xuống 0,6% cuối quý II/2022. Ngân hàng vẫn nằm trong top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất và top 5 ngân hàng có tỷ lệ dự phòng cao nhất toàn ngành.

Hơn nữa, TCB là công ty đi đầu trong việc tiên phong áp dụng chính sách Zero fee với một nền tảng công nghệ vững chắc nhằm tạo lợi ích tối đa cho khách hàng. Do đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của TCB đã giảm đáng kể trong những năm qua.

Ngoài ra, một điều quan trọng nữa được VNDirect chỉ ra là TCB đã tăng tỷ lệ CASA 1 cách rất nhanh chóng và đây là một trong những lợi thế mạnh mẽ để ngân hàng cải thiện NIM lên mức cao nhất so với các công ty cùng ngành (ngoại trừ VPB do có cho vay tài chính tiêu dùng).

Mặt khác, thị trường TPDN Việt Nam vẫn đang còn non trẻ và nhiều dư địa phát triển. Mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, giá trị TPDN mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng tín dụng. Quy mô thị trường (giá trị TPDN/GDP) vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực (Malaysia 56%, Singapore 38%, Thái Lan 25%...).

Theo quan điểm của VNDirect, với vị thế tốt trong lĩnh vực này, Techcombank sẽ chiếm ưu thế trong sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam trong tương lai.

Dự phóng kết quả kinh doanh tại Techcombank

Tuy có nền tảng ổn định nhưng các chuyên gia VNDirect vẫn ước tính tăng trưởng tín dụng của Techcombank sẽ chậm lại trong nửa cuối năm và đạt 13,5% năm 2022 và 17% trong năm 2023 ( giảm so với dự phóng trước đó: 22% và 20%).

Bên cạnh đó, NIM sẽ đạt 5,6% (trong khi năm 2021 là 5,7%). Thu nhập từ phí dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ trong năm 2022-23 (từ mức 30% dự phóng trước đó), chủ yếu nhờ phí dịch vụ thanh toán và bảo hiểm.

Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư sẽ khó tăng mạnh do ảnh hưởng bởi những khó khăn trên thị trường TPDN, đây cũng là nguyên nhân VNDirect giảm dự phóng thu nhập từ phí trong năm 2022 như trên.

Đáng chú ý, tỷ lệ chi phí tín dụng sẽ giảm đáng kể và bù đắp một phần cho việc tăng trưởng tín dụng chậm trong năm nay. Các chuyên gia chứng khoán điều chỉnh tỷ lệ chi phí tín dụng trong 2022-2023 xuống còn 0,5% và 0,4%. Trong khi đó, chi phí dự phòng cũng được ước tính giảm còn 27,6% và 3,8%.

Kết luận, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của TCB sẽ tăng 25% và 18% so với cùng kỳ trong 2022-2023, lần lượt đạt 22.557 tỷ đồng và 26.503 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.