Vốn FDI giải ngân 10 tháng đầu năm tăng cao nhất một thập kỷ

FDI Việt nAM
15:12 - 29/10/2022
Vốn FDI giải ngân 10 tháng đầu năm tăng cao nhất một thập kỷ
0:00 / 0:00
0:00
10 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất một thập kỷ qua. Theo dự báo, cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021.

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/10/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Xét về cơ cấu, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện.

Điểm tích cực là vốn tăng thêm từ các dự án hiện hữu và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn đang xu hướng tăng.

Cụ thể, trong 10 tháng qua, có 1.570 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, tăng 14,2% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,93 tỷ USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 880 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,4% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 8,74 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Dấu ấn quan trọng của dòng vốn FDI trong 10 tháng qua, là vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tiếp tục tăng, đạt mức cao hơn so với 9 tháng đầu năm.

10 tháng năm 2022, số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 14,2%, cao hơn mức tăng 13,4% trong 9 tháng. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân 10 tháng năm 2022 đạt hơn 9,9 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn so với con số này trong cùng kỳ năm 2021 là 9,1 triệu USD/lượt điều chỉnh.

Trong 10 tháng qua, nhiều dự án quy mô lớn đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 2 lần 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…

Về lĩnh vực đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng đầu tư hơn 3,87 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo, lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 928 triệu USD và hơn 853 triệu USD.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,9%, 24,8% và 16,7% tổng số dự án.

Về đối tác đầu tư, có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 5,34 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 21,1% so với cùng kỳ 2021. Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,19 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 3,9 tỷ USD, chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022, chiếm 20,6% số dự án mới, 34,4% số lượt điều chỉnh và 34,6% số lượt góp vốn mua cổ phần.

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2022.

TP HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,42 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,85 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn, tăng 40% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,19 tỷ USD, chiếm 9,7% tổng vốn và tăng gần 89% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội. Trong đó, TP HCM dẫn đầu về số dự án mới (44,1%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,2%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (15,3% sau Hà Nội là 18,8%).

Về kim ngạch xuất - nhập khẩu, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của FDI (kể cả dầu thô) ước đạt gần 233,4 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 231,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt hơn 199,6 tỷ USD, tăng 12,9 % so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 10 tháng năm 2022, khu vực FDI xuất siêu hơn 33,7 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 32 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 26 tỷ USD.

Về vốn thực hiện, 10 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất một thập kỷ. Theo dự báo, cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021.

Tính lũy kế đến ngày 20/10/2022, cả nước có 35.895 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 435,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 269 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tâm chấn đầu tư ở Đông Nam Á

Tại Tọa đàm Thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam mới đây, nhấn mạnh vị thế là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, ông Bae Yong Geun, Phó Chủ tịch Phòng công nghiệp thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), cho biết Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng, là tâm chấn của làn sóng đầu tư của Hàn Quốc ở Đông Nam Á.

"Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành "cứ điểm" sản xuất quy mô lớn. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chính sách về cấp phép đầu tư nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc", đại diện KOCHAM nhấn mạnh.

Theo đó, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có thể hiện thực hóa "mục tiêu kép", đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD trong vòng 1 đến 2 năm tới.

Đọc tiếp