VPBank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng vốn điều lệ với 67.434 tỷ đồng

NGÂN HÀNG Việt nAM
20:26 - 19/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản phê duyệt đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) về việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Trước đó, theo Nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50% từ các nguồn lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu.

Với tổng vốn điều lệ là 67.434 tỷ đồng, VPBank sẽ từ vị trí thứ 4 vươn lên ngôi đầu bảng về top ngân hàng có tổng vốn điều lệ cao nhất tính tới thời điểm hiện tại, vượt BIDV (50.585 tỷ đồng), Vietinbank (48.057 tỷ đồng) và Vietcombank (47.325 tỷ đồng).

Việc tăng vốn điều lệ tại VPBank được chia làm 2 đợt, sau khi hoàn thành đợt 1 của quá trình nâng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu, VPBank dự kiến sẽ tiến hành đợt 2 bằng việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15%, khi đó tổng vốn điều lệ tại VPBank sẽ nâng lên mức 79.334 tỷ đồng. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.

Mức giá phát hành sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Ngân hàng sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại ngay khi có sự chấp thuận của NHNN và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Trước đó, VPBank cũng thông báo phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP, có giá trị tương đương với 0,675% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành 10.000 đồng/cp, tương đương 1/3 giá trên thị trường hiện nay. Các cổ phiếu ESOP phát hành cho cán bộ nhân viên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán 16/8/2022.

Về kết quả kinh doanh giữa niên độ, VPBank ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng "ngân hàng mẹ" là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành, cùng với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng thu lại 15.322 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 70% so với cùng kỳ 2021, thực hiện 52% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng này ghi nhận được từ năm 2015 đến nay.

Tổng tài sản đạt 608.275 tỷ đồng, tăng 11,1% so với đầu năm, tiền gửi của khách hàng và cho vay khách hàng đạt lần lượt 295.420 tỷ và 392.504 tỷ đồng, tăng 22,1% và 10,5% so với đầu năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VPBank đặt một số mục tiêu kinh doanh chính, như tăng tổng tài sản lên trên 697.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 30.00 tỷ đồng, tương ứng tăng 27% và 107% so với năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp