VPBank lên kế hoạch lợi nhuận gần 30.000 tỷ, tăng vốn lên hơn 79,300 tỷ

VPBANK Việt nAM
10:18 - 09/04/2022
VPBank lên kế hoạch lợi nhuận gần 30.000 tỷ, tăng vốn lên hơn 79,300 tỷ
0:00 / 0:00
0:00
Theo tài liệu ĐHĐCĐ vừa được công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) đặt kế hoạch lãi tăng trưởng 107%, tăng vốn điều lệ lên 79,334 tỷ đồng và mua lại CTCP Bảo hiểm OPES.

Về kế hoạch kinh doanh, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm 2021. Ngoài ra, tổng tài sản năm 2022 tăng 27% lên 697.413 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 28% lên 413.060 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 35% lên 518.440 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân hồi tháng 3/2022, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết ngân hàng đang tìm kiếm, phân tích và đánh giá lại toàn diện hoạt động kinh doanh để xác định thêm các động lực tăng trưởng mới trong 5 năm tới. Mục tiêu là duy trì sức cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng cao như trong 10 năm qua.

VPBank cũng đã chuẩn bị các kịch bản trong giai đoạn 2022-2026 với tăng trưởng 30-35%/năm. Ngân hàng có kế hoạch mở rộng hệ sinh thái thông qua tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, trong đó có mua bán và sáp nhập (M&A) với mục tiêu là đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ở mức cao.

Về vốn điều lệ, tại tài liệu ĐHĐCĐ ngân hàng cũng dự kiến phương án tăng vốn điều lệ thành hai đợt. Đợt một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành dự kiến 50%, tức là mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới. Thời gian dự kiến vào quý II hoặc III/2022. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.

Ở đợt tăng vốn thứ hai, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Mức giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank.

Nếu hoàn thành đợt tăng vốn thứ hai, vốn điều lệ sẽ tăng lên 79.334 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Về kế hoạch mua công ty bảo hiểm OPES, VPBank dự kiến nhận chuyển nhượng toàn bộ (100%) hoặc phần lớn (dự kiến trên 90%) vốn cổ phần của công ty OPES với giá dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của công ty.

Ngoài ra, VPank muốn góp vốn bổ sung vào công ty con là Công ty Chứng khoán ASC với tổng mức đầu tư/góp vốn tối đa lên tới 15.000 tỷ đồng.

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank trong năm 2021 tăng 12% so với năm trước, đạt 14.580 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, theo ước tính của ngân hàng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2022 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng rất cao so với quý liền trước và cùng kỳ năm 2021. Mức lợi nhuận này gấp 2,75 lần so với cùng kỳ năm ngoái ngân hàng ghi nhận 4.006 tỷ đồng.

Nguyên nhân giúp lợi nhuận VPBank tăng mạnh trong quý I năm nay ngoài tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là tín dụng, dịch vụ, ngân hàng còn ghi nhận các khoản thu nhập bất thường.

Cụ thể, tháng 3/2022 vừa qua, nhà băng này gia hạn thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với AIA từ 15 năm theo dự định ban đầu thành 19 năm. Việc làm mới lại hợp đồng giữa VPBank và AIA được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Nhiều chuyên gia dự đoán VPBank có thể thu về một khoản tài chính đáng kể từ thỏa thuận này, cùng với những lợi ích khác về sau.

Tin liên quan

Đọc tiếp