'Vua dầu cọ thế giới' Indonesia phải bình ổn giá dầu cọ trong nước

GIÁ CẢ Indonesia
08:47 - 29/01/2022
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Bắt đầu từ ngày 27/1, Bộ trưởng Thương mại Indonesia thông báo quốc gia này bắt đầu áp dụng những quy định bắt buộc với lượng dầu cọ được bán trong nước, đồng thời đặt ra giới hạn về giá cho sản phẩm này.

Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi cho biết tất cả các nhà sản xuất dầu ăn sẽ phải tuân theo một chính sách được gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO). Cụ thể, những công ty này phải bán 20% sản lượng xuất khẩu theo kế hoạch của mình cho thị trường nội địa.

Bộ Thương mại cũng đã đề ra quy định với mức giá sản phẩm này. Đối với CPO (dầu cọ thô), giá tối đa bán trong nước sẽ là 0,65 USD/kg và 0,72 USD / kg đối với olein (dầu cọ tinh luyện). Chính phủ cũng sẽ áp dụng một khung giá bán lẻ tối đa với dầu ăn bắt đầu từ 1/2 sắp tới thay vì chính sách một giá như hiện tại.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Indonesia – quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới – phải ứng phó với tình trạng giá dầu ăn gia tăng chóng mặt trong nước. Cùng chung xu hướng với giá cả gia tăng toàn cầu, giá dầu ăn tại Indonesia đã tăng tới 40% so với một năm trước đó.

Với chính sách này, Bộ Thương mại Indonesia hy vọng giá dầu ăn sẽ trở nên ổn định hơn và phù hợp với túi tiền của người dân, đồng thời vẫn đảm bảo mang lại lợi nhuận cho người bán, nhà phân phối và nhà sản xuất.

Indrasari Wisnu Wardhana, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại, bổ sung thêm rằng chính phủ Indonesia muốn đảm bảo rằng nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp nội địa vẫn luôn trong tình trạng ổn định. Nguyên nhân là do trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, các nhà sản xuất thường có xu hướng thích xuất khẩu hơn.

Quan chức này cũng cho biết hiện chính sách DMO mới chỉ được áp dụng với CPO, olein, dầu ăn đã qua sử dụng và dầu cặn. Tuy nhiên trong tương lai, chính phủ đang xem xét đặt ra quy định tương tự đối với tất cả các sản phẩm phái sinh từ dầu cọ.

Trả lời cho câu hỏi chính sách DMO lên dầu cọ sẽ được áp dụng trong bao lâu, ông Wisnu cho biết nó sẽ được áp dụng "cho đến khi giá trở lại tình trạng ổn định như trước đây".

Về tác động của chính sách này, ông Togar Sitanggang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, nhận định xuất khẩu tháng 2/2022 có thể sẽ bị sụt giảm. Ông bổ sung thêm: “Tình hình xuất khẩu trong tháng 1 có thể vẫn sẽ ổn, tuy nhiên tác động sẽ dần rõ ràng vào tháng 2. Nguyên nhân do một số nhà sản xuất có thể sẽ không đáp ứng được cam kết xuất khẩu do các yêu cầu về nghĩa vụ trong nước”.

Mặt khác, trong những ngày gần đây, không có lô hàng xuất khẩu nào được đưa đi do chính phủ đang xác minh kế hoạch phân phối hàng nội địa của các công ty. Trước đó, Indonesia đã tuyên bố sẽ cấp giấy phép xuất khẩu cho các lô hàng dầu cọ quốc tế chỉ khi các công ty xác nhận kế hoạch phân phối nội địa trong 6 tháng tới của mình.

Ở một diễn biến khác, điều tương tự cũng từng xảy ra với việc xuất khẩu than do chính phủ lo ngại nguồn cung trong nước không đủ có thể dẫn tới tình trạng các nhà máy điện bị gián đoạn hoạt động. Do đó, Indonesia đã cấm xuất khẩu than 1 tháng đầu năm do các nhà sản xuất không thể đáp ứng được chính sách DMO.

Đọc tiếp