Vượt mục tiêu, GDP của Philippines cán mốc 5,6% năm 2021

TĂNG TRƯỞNG Philippines
06:32 - 28/01/2022
Du khách đến thăm vịnh Manila khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng vào tháng 10/2021. Ảnh: Reuters
Du khách đến thăm vịnh Manila khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng vào tháng 10/2021. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia kinh tế Philippines cho rằng cánh cửa cho sự phục hồi kinh tế của nước này đã hoàn toàn mở, sau khi các lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch Covid -19 được nới lỏng thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Ngày 27/1, Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines tăng 5,6% trong năm 2021, vượt qua mục tiêu mà chính phủ đặt ra là 5% đến 5,5%. GDP của Philippines năm 2021 cao hơn dự báo trung bình của các nhà kinh tế đề ra cho khu vực Đông Nam Á trong khoảng từ 1% đến 4%.

Đặc biệt, trong quý 4/2021, GDP Philippines tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ, đưa nền kinh tế trở lại mức trước đại dịch trong năm nay, trong bối cảnh xuất hiện các chủng Covid-19 mới và lạm phát toàn cầu gây ra rủi ro tăng trưởng.

Ngành công nghiệp và dịch vụ nước này đã tăng trưởng lần lượt 9,5% và 7,9% trong quý 4/2021, trong khi nông nghiệp nhích lên 1,4%, bất chấp cơn bão Odette (Rai) tấn công hồi tháng 12 vừa qua. Bên cạnh đó, các dịch vụ kinh doanh, xây dựng và vận tải đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Philippines.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Philippines.

Các ngành công nghiệp khác cũng tăng điểm khi các lệnh hạn chế di chuyển được nới lỏng trong quý IV/2021. Các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc và giải trí có mức tăng lớn nhất ở mức 30,1%, trong khi dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 22,8%, nhà thống kê quốc gia Dennis Mapa, thuộc PSA cho biết.

Trong một tuyên bố chung, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế - Xã hội Karl Chua và Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez III nhận xét: "Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với dự báo của hầu hết các nhà phân tích. Tốc độ tăng trưởng Philippines có khả năng sẽ nằm trong nhóm cao nhất trong khu vực. Điều này cho thấy rằng chúng tôi đang trên đà phục hồi nhanh chóng bất chấp ảnh hưởng của cơn bão Odette”.

Năm 2022, Philippines cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng đạt mức từ 7% đến 9% và 6% đến 7% cho các năm 2023 và 2024. "Cánh cửa cho sự phục hồi kinh tế của chúng tôi hiện đã hoàn toàn mở", Bộ trưởng Karl Chua cho biết. "Các con số trong năm 2021 cho thấy nền kinh tế Philippines sẵn sàng bứt phá”.

Theo Mapa, GDP danh nghĩa của nước này tính theo giá hiện hành ở mức 19,39 nghìn tỷ Peso (377 tỷ USD), thấp hơn một chút so với mức 19,52 nghìn tỷ Peso (380,6 tỷ USD) vào năm 2019.

Dịch bệnh vẫn là nguy cơ chính của năm 2022

Theo ông Chua, nguy cơ chính của kinh tế Philippines trong năm 2022 là các biến chủng chưa xác định của virus Corona. "Ngoài ra, không có vấn đề gì ngạc nhiên. Các rủi ro khác mà chúng tôi nhận thức được và đang giải quyết đó là lạm phát giá dầu mỏ và thực phẩm”, ông cho biết.

Philippines dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt từ 7% đến 9%. Ảnh: Business World

Philippines dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt từ 7% đến 9%. Ảnh: Business World

Các đột biến của Covid-19 đã và đang là mối nguy toàn cầu. Philippines đã áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn về mức độ Cảnh báo đại dịch cấp độ 3 ở Metro Manila và các khu vực lân cận trong tháng này. Nước này đang báo động trước tình trạng biến chủng Omicron với khả năng lây nhiễm cao đã đẩy số ca mắc hàng ngày lên mức kỷ lục hơn 39.000 vào giữa tháng 1, từ mức thấp nhất là 168 ca vào tháng 12/2021.

“Có vẻ như đây là một đợt dịch tăng đột biến và chỉ mang tính chất tạm thời”, ông Chua nói, đồng thời cho biết thêm các trường hợp nghiêm trọng và tử vong thấp hơn nhiều so với làn sóng dịch do biến chủng Delta gây ra vào năm ngoái.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng có một cơ hội để Philippines hạ mức cảnh báo trong những tuần tới", ông nói. "Chúng tôi vẫn đang theo dõi GDP cả năm, miễn là chúng tôi quay trở lại mức Cảnh báo đại dịch cấp độ 2 hoặc thấp hơn vào cuối quý 1/2022”.

Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho biết làn song lây nhiễm do chủng Omicron có khả năng kéo giảm đà phục hồi một lần nữa, tuy nhiên những dấu hiệu gần đây cho thấy dịch bệnh đang "tác động kinh tế tương đối nhẹ”. “Chúng tôi dự báo GDP Philippines sẽ không thay đổi so với quý I/2022, trước khi tăng trưởng nhanh trở lại vào quý sau,” Holmes cho biết.

Ngoài ra, ông cũng không cho rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay và dự đoán rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khởi động từ năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp