WHO quan ngại dịch Covid-19 tại Triều Tiên vì không được tiếp cận dữ liệu

COVID-19 Triều Tiên
10:13 - 02/06/2022
Một nhân viên của Nhà máy Sản phẩm Vệ sinh Nha khoa Bình Nhưỡng thực hiện khử trùng phòng ăn. Ảnh: AP
Một nhân viên của Nhà máy Sản phẩm Vệ sinh Nha khoa Bình Nhưỡng thực hiện khử trùng phòng ăn. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 cho biết, họ không tiếp cận được dữ liệu Covid-19 tại Triều Tiên, đồng thời lo ngại tình hình dịch tại nước này có thể diễn ra theo chiều hướng xấu. 

Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết tại buổi họp báo hôm 1/6 rằng, WHO không nhận được bất cứ thông tin đặc biệt nào về dịch ở Triều Tiên, trong khi các quốc gia khác đều chia sẻ các dữ liệu với tổ chức này để họ có thể đánh giá rủi ro sức khỏe cộng đồng cho toàn cầu.

"Hiện tại chúng tôi không thể đưa ra đánh giá rủi ro đầy đủ về tình hình trên thực địa. Sẽ rất khó để đưa ra phân tích chuẩn xác khi chúng tôi không thể tiếp cận dữ liệu cần thiết", AFP dẫn lời vị quan chức WHO này nói thêm.

Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu WHO về Covid-19, thì cho biết tới nay Triều Tiên công bố khoảng 3,7 triệu ca nghi mắc Covid-19, mặc dù theo cách gọi chính thức của nước này là "các trường hợp sốt".

Các nhân viên quân y Triều Tiên trong trang phục bảo hộ tại nhà thuốc ở Bình Nhưỡng, ngày 31/5. Ảnh: KCNA
Các nhân viên quân y Triều Tiên trong trang phục bảo hộ tại nhà thuốc ở Bình Nhưỡng, ngày 31/5. Ảnh: KCNA

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay thông báo, nước này ghi nhận thêm 96.600 trường hợp có triệu chứng sốt trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca sốt lên 3,8 triệu ca. Số người chết kể từ ngày đầu tiên Bình Nhưỡng cập nhật thông tin về dịch bệnh hiện là 69 trường hợp, tỷ lệ tử vong là 0,002%.

Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Triều Tiên ghi nhận số ca sốt hàng ngày ở dưới mức 100.000, so với đỉnh điểm hơn 392.000 trường hợp/ngày hồi giữa tháng 5. Mặc dù không công bố bao nhiêu trường hợp trong số này mắc Covid-19, nhưng truyền thông trong nước cho biết khoảng 95% người bệnh đã phục hồi.

Triều Tiên là quốc gia chưa triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 25 triệu người dân và từ chối những chuyến viện trợ vaccine từ WHO.

Một bác sĩ kiểm tra thân nhiệt của một người dân tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Một bác sĩ kiểm tra thân nhiệt của một người dân tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Kể từ khi công bố những ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 12/5, Triều Tiên - quốc gia vốn tách biệt với thế giới trong suốt 2 năm đại dịch qua, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Giới chức Bình Nhưỡng đã tiến hành huy động lực lượng quân đội hỗ trợ phân phát thực phẩm và thuốc men và thực hiện xét nghiệm trên toàn quốc. Hơn 1 triệu nhân viên y tế, bao gồm sinh viên và giảng viên trường y, đã được huy động để "ngăn chặn và loại bỏ triệt để nguồn lây lan".

Ngày 29/5, trong một cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra "đánh giá tích cực về tình hình đại dịch đang được kiểm soát và cải thiện trên toàn quốc". Đồng thời ông cũng "thảo luận về việc tiếp tục tăng cường công tác chống dịch, ổn định và cải thiện tình hình chống dịch".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.