World Bank: Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực

KINH TẾ Đông Á
22:41 - 28/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo World Bank, tăng trưởng ở hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã phục hồi trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên kết thúc năm nay, kinh tế khu vực sẽ chững lại và nợ sẽ gia tăng.

Tại Hội thảo Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của World Bank ngày 28/9, ông Aaditya Matto - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (World Bank) cho rằng, hầu hết các quốc gia Đông Á -Thái Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong năm 2022.

Nếu không tính Trung Quốc, cả khu vực được dự đoán sẽ tăng trưởng trung bình 5,3% năm 2022. Trong đó theo World Bank, Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu khu vực với tốc độ tăng trưởng GDP trong 2022 đạt 7,2%.

Tuy nhiên, chuyên gia World Bank đánh giá, tình trạng thiếu lao động được ghi nhận trong các khu vực sản xuất và rủi ro về tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Vì thế, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục sử dụng ngân sách và thực hiện chương trình hỗ trợ 2022-2023 hiệu quả hơn, nhất là khi chính sách tiền tệ thích ứng đang được triển khai phù hợp và có tính hỗ trợ, giúp phòng ngừa nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng.

"Nếu lạm phát tăng nhanh trên 4% và lạm phát cơ bản gia tăng, các cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ. Ngoài ra, rủi ro trong khu vực tài chính tăng cao cũng đòi hỏi việc tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu, đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng", ông Matto nhận xét.

Đại diện World Bank cũng cảnh báo, triển vọng kinh tế khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước. Các rủi ro này đến từ áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc), cùng với sự gián đoạn tiếp diễn trong Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Theo chuyên gia World Bank, nguyên nhân tăng trưởng kinh tế tăng trưởng trở lại tại khu vực Đông Á -Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, là do việc tiêu dùng tư nhân phục hồi mạnh hơn dự kiến trong nửa đầu 2022. Thứ hai là nhu cầu trên toàn cầu về hàng hóa và sản phẩm chế tạo xuất khẩu đến từ các quốc gia trong khu vực vẫn bền vững, mặc dù dấu hiệu này đang có vẻ yếu dần đi.

Ngoài ra, yếu tố chính của sự tăng trưởng này còn đến từ việc các nước đã gỡ bỏ những rào cản trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, kể cả các quy định chống dịch hay thái độ thận trọng trong tiêu dùng của người dân. Ngoại trừ Trung Quốc hiện vẫn duy trì chính sách Zero Covid chặt chẽ.

GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 - World Bank dự báo

GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 - World Bank dự báo

Ba nguy cơ đối với tăng trưởng bao trùm tại Đông Á - Thái Bình Dương

Song song với việc đánh giá tình hình tăng trưởng GDP tích cực của các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thời gian vừa qua, đại diện World Bank cũng chỉ ra các yếu tố làm "chững" lại nền kinh tế khu vực này giai đoạn cuối năm.

Theo đó, ông Matto cho rằng, kết thúc năm 2022, có ba yếu tố dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, bao gồm suy giảm tăng trưởng toàn cầu, nợ gia tăng và méo mó chính sách.

Nhận định về suy giảm tăng trưởng, theo ông Matto, việc nền kinh tế toàn cầu chững lại dự kiến sẽ gây áp lực lên nhu cầu đối với hàng hóa thương phẩm thô và các sản phẩm chế tạo chế biến xuất khẩu của khu vực. Tăng trưởng chững lại ở những nền kinh tế lớn có thể khiến tăng trưởng ở các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương giảm thêm 1 điểm % trong năm nay.

Về gánh nặng nợ gia tăng, lạm phát từ các nước lớn trên thế giới cũng ảnh hưởng đến các quốc gia khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, khiến cho lãi suất gia tăng, dòng vốn "chạy" ra ngoài và đồng tiền mất giá. Cùng với đó là gánh nặng trả nợ gia tăng gây khó khăn về tài chính cho chính phủ và doanh nghiệp, qua đó làm hạn chế đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Đối với thực trạng méo mó chính sách, ông Matto cho rằng, lạm phát đã gây xói mòn sức mua ở mức từ 2% tại Việt Nam đến 11% ở Mông Cổ. Vì vậy, Chính phủ các quốc gia cần giảm gánh nặng trả nợ công và nợ tư nhân đang gia tăng.

"Hiện nay, các biện pháp chính sách chỉ có thể ứng phó cú sốc trong ngắn hạn và chỉ nhằm cứu trợ đáp ứng nhu cầu trước mắt nhưng lại làm gia tăng những méo mó chính sách hiện hành," đại diện World Bank đánh giá. Các biện pháp kiểm soát giá nhiên liệu, giá lương thực thực phẩm bằng trợ giá cũng có thể làm giảm lạm phát nhưng lại gây khó cho lựa chọn của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Tập trung hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng cần hỗ trợ

Đối với từng nguy cơ trên, World Bank cho rằng, cần có có những biện pháp hiệu quả để xử lý những khó khăn sao cho không ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu dài hạn.

Theo bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch World Bank phụ trách Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, các quốc gia trong khu vực vừa cần chuẩn bị cho tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu chững lại, vừa cần xử lý những vấn đề chính sách trong nước đang gây trở ngại cho phát triển trong dài hạn.

Trong quá trình tìm cách bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước tình trạng giá cả lương thực, thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, các quốc gia trong khu vực đã tung ra các gói trợ cấp nhiên liệu, trợ cấp tiền mặt… Nhưng bài toán kiềm chế lạm phát mà không cản trở phục hồi kinh tế đang gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách ở các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, vốn được đánh giá có mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Nhận định về thực trạng này, ông Matto cũng cho rằng: “Kiểm soát và trợ giá làm mờ đi tín hiệu giá và ảnh hưởng đến năng suất”. Do đó, ông đưa ra khuyến nghị các nước chuyển sang những chính sách tốt hơn về lương thực thực phẩm, nhiên liệu và tài chính để vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa phòng chống lạm phát.

Trong đó, chuyên gia World Bank cho rằng, dù các biện pháp kiểm soát giá bằng việc trợ giá có động cơ chính là bảo vệ người tiêu dùng hoặc tránh gián đoạn sản xuất, nhưng hỗ trợ thu nhập mới là phương thức tốt hơn so với quản lý giá. "Vì hỗ trợ thu nhập không làm méo mó cách lựa chọn và có thể tập trung vào đối tượng là những người cần hỗ trợ nhất," ông Matto giải thích.

Lấy ví dụ tại Thái Lan, trợ giá nhiên liệu và hỗ trợ bằng tiền đều làm giảm tác động đến tỷ lệ nghèo khi giá cả tăng cao, nhưng hỗ trợ có mục tiêu được cho là có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chính vì vậy, các biện pháp có mục tiêu nhằm hỗ trợ cho những hộ hoặc những doanh nghiệp dễ bị tổn thương sẽ ít tốn kém hơn cho Chính phủ, đại diện World Bank nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp