Xây dựng Chỉ số Xanh PCI cấp tỉnh và kỳ vọng từ hiệu ứng "hai bàn tay cùng vỗ"

PCI Chỉ số Xanh
14:47 - 07/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Một chỉ số hoàn toàn mới sẽ xuất hiện trong các tiêu chí PCI cấp tỉnh sắp tới, đó là đánh giá về trình độ quản trị với môi trường, thúc đẩy sự tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương.  
Các đại biểu chủ trì hội thảo: ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI; ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI; PGS.TS Markus Taussig, Chuyên gia của Quỹ Châu Á tại Việt Nam; ông Michael DiGregorio, Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam. Ảnh: BTC

Các đại biểu chủ trì hội thảo: ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI; ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI; PGS.TS Markus Taussig, Chuyên gia của Quỹ Châu Á tại Việt Nam; ông Michael DiGregorio, Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam. Ảnh: BTC

Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương về môi trường kinh doanh xanh dưới góc nhìn từ thực tiễn về các mức độ cụ thể: thích ứng với biến đổi khí hậu; thực trạng ứng dụng công nghệ, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; các chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAids) và Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác triển khai Chỉ số Xanh từ cuối năm 2021.

Huy động các bên tham gia theo hiệu ứng “2 bàn tay cùng vỗ”

Chia sẻ tại hội thảo “Tham vấn phương pháp xây dựng chỉ số xanh” ngày 7/6, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện thể chế, năm vừa qua đã thông qua các đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định hướng dẫn theo định hướng phát triển kinh tế bền vững.

Cùng với đó là các chiến lược nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài FDI, chú trọng thu hút các dự án mới có chất lượng cao hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI

Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số Xanh, chúng tôi mong muốn khuyến khích các tỉnh/thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, hỗ trợ chính quyền địa phương trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, chọn lọc được các dự án thân thiện với môi trường; định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường;thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Chia sẻ về quá trình xây dựng Chỉ số Xanh, ông Đậu Anh Tuấn cho biết sẽ dựa vào 2 kinh nghiệm của Việt Nam.

Kinh nghiệm thứ nhất đến từ hiệu ứng “hai bàn tay cùng vỗ”, sức ép từ bên trên, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước kết hợp với mong muốn, nguyện vọng từ bên dưới, của doanh nghiệp và người dân sẽ thúc đẩy tiến trình thay đổi sẽ nhanh hơn, phù hợp với thực tiễn hơn.

“Kinh nghiệm thứ hai đến từ việc tăng cường thúc đẩy thực thi hiệu quả chính sách và tạo ra động lực để thúc đẩy thực thi từ bộ máy chính quyền cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng. Thực thi tạo ra khác biệt và mang đến thành công”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, là một trong những đơn vị cùng tham gia xây dựng Chỉ số Xanh, PGS.TS Markus Taussig, Chuyên gia của Quỹ Châu Á tại Việt Nam nhận định, phát triển Chỉ số Xanh cấp tỉnh sẽ đóng góp vào việc hình thành một mô hình phát triển bền vững hơn tại Việt Nam.

PGS.TS Markus Taussig, Chuyên gia của Quỹ Châu Á tại Việt Nam

“Tuy nhiên cần tính đến một trong những thách thức gặp phải về ‘hiệu ứng mong đợi của xã hội’, hiện tượng khi các doanh doanh nghiệp đưa ra câu trả lời để làm hài lòng người phỏng vấn. Do vậy, cần phát triển các câu hỏi chi tiết hơn và có thêm các nghiên cứu định tính ở cấp địa phương để hỗ trợ thiết kế bảng hỏi”.

“Do vậy, cần thêm bài học kinh nghiệm từ các dự án phát triển khác. Chỉ số Xanh cấp tỉnh cần sự phối hợp để tiếp cận thêm các nguồn thông tin sẵn có của các đối tác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường”, PGS.TS Markus Taussig tham vấn.

“Giữ được xanh là giữ được tiền”

Dưới góc độ của địa phương, tham gia góp ý về phương pháp xây dựng Chỉ số Xanh tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, xác định Chỉ số Xanh cấp tỉnh có tính khả thi cao hay không cần dựa vào sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh về chỉ số này.

“Hiện Quảng Ninh đang mở rộng logistics xanh đường thủy đã giảm 50% CO2 và giảm 15% chi phí so với đường bộ. Tỉnh cũng cân bằng sự phát triển kinh tế - xã hội với ô nhiễm môi trường, cương quyết sẵn sàng đóng cửa, phạt mức cao nhất đối với các làng nghề gây ô nhiễm buộc họ phải thay đổi công nghệ và có các chương trình hỗ trợ họ chuyển đổi”, ông Bắc cho biết thêm

Ảnh tác giả

"Các khu công nghiệp sẵn sàng đầu tư xử lý nước thải nếu có sự hỗ trợ của tỉnh và Quảng Ninh đã đưa ra phương án tỉnh chịu 20% kinh phí, doanh nghiệp 80%. Như vậy có thể thấy tỉnh đã rất quan tâm đến tăng trưởng xanh không phải trên chỉ trên lý thuyết. Xanh là tài nguyên. Nếu giữ được xanh là giữ được tiền đây là điều các địa phương nên xác định khi áp dụng xây dựng chỉ số này”.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội tỉnh Quảng Ninh

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Huyền, đại diện UNDP chuyên nghiên cứu về chỉ số PAPI về phía người dân cho biết, đây là một trong những vấn đề mà người dân rất quan tâm, từ góc nhìn công dân các tỉnh/thành phố đều đạt dưới mức trung bình về chỉ số môi trường.

Theo bà Huyền, những đánh giá trước đây nghiêng về mặt chính sách nhiều hơn, Trước năm 2020, môi trường là một trong những vấn đề mà người dân quan ngại nhất trong chỉ số PAPI. Có 72% người dân chọn phương án ưu tiên bảo vệ môi trường hơn phát triển kinh tế.

Đối với nghiên cứu xã hội học, trong các tiêu chí hiện nay, bà Huyền cũng cho biết, các khảo sát đang nói nhiều hơn đến doanh nghiệp và chính quyền mà chưa nói nhiều đến động thái của người dân.

Lấy ví dụ, khi người dân được hỏi nguồn nước gần nhà có đủ sạch để bơi hay để làm nước sinh hoạt hay không thì chỉ có 1 – 5% trả lời là có. “Vậy quay ngược lại vấn đề ở đây là điều chỉnh lại hành vi xả thải trực tiếp vào nguồn nước của doanh nghiệp. Chúng ta đang đo lường các tiêu chí bằng văn bản nhiều hơn là thực tiễn, do vậy, cần tham khảo thêm các tiêu chí thực tế từ phản ánh người dân”, bà Huyền đóng góp ý kiến”, đại diện UNDP góp ý.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, cách thức đánh giá cần thống nhất về mục tiêu phát triển xanh bao gồm những gì. Chỉ số Xanh là một chỉ số hoàn toàn mới nên cần thống nhất góc nhìn, xác định vai trò cơ quan quản trị, mục tiêu cơ quan quản lý Nhà nước và mục tiêu doanh nghiệp, mục tiêu địa phương sẽ có những thứ khác nhau đôi khi xung đột nhau.

Ảnh tác giả

“Các doanh nghiệp kỳ vọng xây dựng Chỉ số Xanh hài hòa được lợi ích của các đối tác khác nhau trong vấn đề môi trường, đặc biệt là lợi ích người dân. Đồng thời bộ chỉ số cần gợi ý được những hàm ý thay đổi về nhận thức, hành vi tuân thủ những quy định tối thiểu về tăng trưởng xanh, sáng kiến trong khu vực doanh nghiệp về mục tiêu phát triển bền vững”.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

“Đầu bài là đặt tăng trưởng xanh cấp tỉnh, nhưng để đóng góp vào mục tiêu COP26 thì cần khuyến khích sự vào cuộc của các Bộ/ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…”, Giám đốc Economica Việt Nam khuyến nghị.

Hình thức khảo sát xây dựng Chỉ số Xanh cấp tỉnh sử dụng hình thức trực tuyến thay vì khảo sát qua thư. Chọn mẫu ngẫu nhiên 1.489 doanh nghiệp được từ danh sách doanh nghiệp đã trả lời khảo sát PCI 2019 (bao gồm cả phần nội dung điều tra về biến đổi khí hậu của Quỹ Châu Á).

Phân loại đảm bảo tính đại diện của các yếu tố như địa bàn, quy mô doanh nghiệp, giới thông qua các nhóm nội dung: Giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi khí hậu và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường; các ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ môi trường dành cho doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp