Xây dựng chuỗi ngành hàng tre để khai thác thị trường gần 83 tỷ USD

Tre XUẤT KHẨU
18:22 - 04/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tổng diện tích Tre Việt Nam đạt khoảng 1.592.205 ha cho trữ lượng khai thác hàng năm khoảng khoảng 2,5 - 3,0 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu từ 300 – 400 triệu USD/năm, tập trung các thị trường chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc .

Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 300 – 400 triệu USD từ tre

Cây tre hiện đóng vai trò lớn đời sống kinh tế - xã hội người Việt Nam, là nguyên liệu “xanh” thay cho gỗ tự nhiên và hợp chất hoá học, góp phần phát triển du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đây cũng là công cụ hấp thụ carbon, chống biến đổi khí hậu, cung cấp nhiều hơn khoảng 35% oxy và hấp thụ nhiều hơn 40% carbon dioxide so với loài cây khác. Đồng thời tre là sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lao động trong các làng nghề mây tre đan.

Trồng tre để khai thác nguyên liệu sản xuất tại Cao Bằng.

Trồng tre để khai thác nguyên liệu sản xuất tại Cao Bằng.

Đây là những khẳng định của bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tại hội thảo "Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam”, ngày 4/8, cho thấy tổng quan giá trị cây tre. Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tài nguyên Tre Việt Nam rất phong phú và đa dạng với 30 chi và 216 loài. Một số loài kinh tế cao như: Luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai.

Tổng diện tích Tre Việt Nam đạt khoảng 1.592.205 ha phân bố hầu hết các tỉnh trên cả nước, có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha cây tre. Trữ lượng ước tính khoảng 6,5 tỷ cây, hàng năm khai thác 500 - 600 triệu cây, tương đương khoảng 2,5 - 3 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu từ 300 – 400 triệu USD/năm, trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Thị phần xuất khẩu các sản phẩm từ tre. Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Thị phần xuất khẩu các sản phẩm từ tre.

Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, theo bà Yến, hiện nay tre có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống. Diện tích bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Hạ tầng phục vụ sản xuất (đường, điện…) chưa được đầu tư. Công nghệ chế biến lạc hậu so với thế giới. Thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh, nguồn vốn cũng còn hạn chế.

Sản phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm thô, tươi. Sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng. Thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.

Các xu hướng nổi bật thương mại từ tre

Phân tích tổng quan thương mại cây tre trên thị trường thế giới, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Điều phối viên dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre ở Việt Nam cho biết, quy mô thị trường tre toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 82,90 tỷ USD vào năm 2028. Dự kiến ​​sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,7% từ năm 2021 đến năm 2028 với các xu hướng nổi bật.

Về công nghiệp, mảng ứng dụng sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất trên 35,0% vào năm 2020 do có nhiều ứng dụng trong thực phẩm hiện đại và các ngành công nghiệp

Về măng, phân khúc ứng dụng măng nổi lên là phân khúc lớn thứ hai vào năm 2020 vì măng được coi là một loại thực phẩm quan trọng đối với sức khỏe vì chúng chứa các axit amin, protein cao, vitamin A, vitamin B6, vitamin E, niacin và thiamine

Về nội thất, mảng ứng dụng đồ nội thất dự kiến ​​sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,0% trong giai đoạn dự báo do xu hướng mới nổi của các thiết kế nội thất bền vững trong các tòa nhà xanh hoặc trung tính với môi trường.

Theo bà Huyền, Châu Á Thái Bình Dương thống trị thị trường với tỷ trọng doanh thu hơn 75% vào năm 2020 nhờ sản lượng tre được tập trung cao, đặc biệt là trung quốc.

Những người tham gia trong ngành đang mở rộng sản xuất tre trong nước ở các nền kinh tế ngoài Châu Á Thái Bình Dương để phục vụ nhu cầu trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nền kinh tế sản xuất cao khác.

Trong khi nhu cầu về tre đang gia tăng trên thị trường quốc tế, việc phát triển thương mại ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc đang bị tụt lại phía sau, khiến Trung Quốc trở thành nhà cung cấp thống trị. Trung Quốc đang dẫn đầu không chỉ về sản lượng, mà còn về năng lực kỹ thuật và chất lượng.

Trên cơ sở tiềm năng cho ngành Tre Việt Nam là rất lớn nhưng hiện vùng nguyên liệu vẫn chưa thực sự tập trung, để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bà Huyền cho rằng, chất lượng của Tre Việt Nam phải bằng hoặc tốt hơn hàng của Trung Quốc và giá cả phải phù hợp, có thể là rẻ hơn để khuyến khích người mua chuyển đổi.

“Xác định không cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại mà phải phát triển các sản phẩm mới, ví dụ thiết kế độc đáo (chiều rộng, độ dày, màu sắc…), hoặc sản phẩm có công dụng mới. Tập trung vào cung cấp một sản phẩm mà Trung Quốc không sản xuất được để làm thế mạnh”.

Bên cạnh đó, bà Huyền cũng cho rằng cần xây dựng kế hoạch tiếp thị ngành vững chắc cho cả thị trường trong và ngoài nước. Hợp tác với các tổ chức và công ty châu Âu để thực hiện các dự án phát triển ngành Tre Việt Nam.

Tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu lớn

Trước thực trạng của cây tre đang diễn ra, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, người nông dân trồng tre hiện nay đang bị áp lực bởi có nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Để phát triển ngành hàng tre, ngay từ bây giờ doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương và Bộ NN&PTNT xây dựng những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam (trái)

“Để hình thành chuỗi giá trị kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư phải xác định được vùng nguyên liệu và sự liên kết. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp, người sản xuất và chính quyền các địa phương phải cùng vào cuộc thì mới phát huy được giá trị cây tre”.

Cũng theo Thứ trưởng Nam, nhiều nơi chưa xác định hết được vai trò, vị trí giá trị của cây tre. Sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với người trồng và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu và tiêu thụ trong nước còn rời rạc chưa tập trung, đặc biệt là xây dựng các vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Do đó, bên cạnh xây dựng lại vùng nguyên liệu tre tập trung, hiện Bộ NN&PTNT đang đề xuất lên Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội Tre luồng Việt Nam. Đây sẽ là một trong những tiền đề và cơ sở đầu tiên gắn kết ngành tre Việt trong giai đoạn mới này”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ ra.

Định hướng cho cây Tre Việt Nam: bảo tồn giá trị văn hóa của cây tre và phát huy các giá trị kinh tế của các sản phẩm làm từ tre. Đa dạng các sản phẩm làm từ tre và sử dụng tre làm vật liệu thay thế gỗ và hợp chất hóa học. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung được cấp chứng chỉ để hướng tới xuất khẩu.

Nghiên cứu cải tạo giống tre và áp dụng các phương pháp trồng, chế biến mới vào sản xuất. Thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác trồng tre. Xây dựng chuỗi liên kết giữa người dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp (trồng, chế biến và tiêu thụ).

Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất (đường, điện). Quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chứng chỉ rừng bền vững (FSC, CoC, BSCI, ISO…). Liên kết vùng nguyên liệu với các làng nghề mây tre đan và các thị trường tiêu thụ.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ như: Đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường…; Xây dựng chính sách liên kết giữa người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp.

(Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn)

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.