Xây dựng 'con đường hương liệu' quốc tế cho Việt Nam bằng quế hồi hữu cơ

Xây dựng 'con đường hương liệu' quốc tế cho Việt Nam bằng quế hồi hữu cơ

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
12:45 - 08/04/2022
Với vai trò là công ty có sản phẩm quế, hồi đạt chuẩn hữu cơ và có 50 đối tác quốc tế, CTCP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) dự kiến sẽ IPO vào năm 2026, qua đó khẳng định thương hiệu quế hồi hữu cơ Việt Nam trên thị trường thế giới.

Quế, hồi là những gia vị và hương liệu có lợi cho sức khỏe và ngày càng được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trong việc bổ sung vào các sản phẩm tiêu dùng nhanh như cà phê, mát cha, các loại đồ uống khác. Trong thời gian gần đây, giá quế thế giới có xu hướng tăng do nguồn cung lớn nhất thế giới là Indonesia đang giảm dần sản lượng.

Xuất phát từ việc sản phẩm quế hồi của Việt Nam hoàn toàn xa lạ với các khách hàng quốc tế và giá trị kinh tế của người nông dân trồng quế không cao, chỉ đạt 7 - 10 triệu đồng/ha vào năm vào thời kỳ 2015 – 2016, CTCP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) đã quyết định xây dựng “con đường hương liệu” cho Việt Nam ra nước ngoài.

Để xây dựng “con đường hương liệu” cho Việt Nam, Vinasamex hướng tới thực hiện 3 cam kết. Đầu tiên là ưu tiên cho vùng trồng quế hồi organic. Từ năm 2012 – 2022, công ty đã phủ xanh hàng nghìn ha đồi bằng hệ sinh thái quế organic. Lời cam kết thứ hai là Vinasamex chế biến quế bằng con đường hiện đại với dây chuyền sản xuất khép kín. Thứ ba là doanh nghiệp này khẳng định sẽ theo đuổi những giá trị bền vững, với mục tiêu trở thành một trong những công ty sản xuất nông sản sở hữu nhiều chứng nhận quốc tế.

Từ khi bắt tay vào sản xuất hữu cơ năm 2017, Vinasamex đã liên kết với 418 hộ dân. Đến đầu năm 2022, công ty xây dựng được 4.367 ha vùng nguyên liệu quế, hồi, nghệ hữu cơ, liên kết với 2.115 hộ dân tại các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai và Bắc Kạn. Người dân liên kết với Vinasamex được bao tiêu đầu ra 100%, với giá cao hơn giá thị trường, được đảm bảo thu nhập.

Với vùng nguyên liệu bền vững, doanh thu của Vinasemex đã tăng 60% năm 2021, mở rộng ra 50 đối tác quốc tế gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng. Mỗi năm, công ty xuất khẩu hơn 1.300 tấn sản phẩm nông sản đi các thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc. Qua đó Vinasamex đã tạo được dấu ấn của gia vị quế, hồi Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện Vinasamex đã đạt được 10 chứng nhận quốc tế, trong đó 4 chứng nhận organic hàng đầu thế giới (USDA; EU; JAS; Korea). Ngoài ra còn có các chứng nhận vùng nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế; chứng nhận quản lý chất lượng nhà máy: HACCP, IFS; chứng nhận hoạt động kinh doanh có đạo đức, công bằng, tạo tác động xã hội: For Life, Fair For Life, UEBT member.

Chia sẻ với MEKONG ASEAN về quãng thời gian đã trải qua trong việc xây dựng “con đường hương liệu” quốc tế cho Việt Nam, Tổng Giám đốc Vinasamex Nguyễn Thị Huyền cho biết, để có thể xây dựng được vòng tròn niềm tin và có được những lời cam kết, công ty đã phải trả giá rất nhiều bằng những bài học kinh nghiệm, thời gian và cả nước mắt.

“Vinasamex không chỉ mong muốn thành công để thu về nhiều lợi nhuận, mà còn thuyết phục được người nông dân đi theo hướng mới, thay đổi được tư duy, thay đổi cuộc sống của họ”, bà Huyền cho hay.

Vinasamex cam kết luôn thu mua nguyên liệu của nông dân cao hơn so với giá thị trường. Hiện tại đang ở ngưỡng 27.000 – 32.000 đồng/kg tươi và toàn bộ sản phẩm sẽ được công ty chế biến, bao tiêu. Vỏ quế xuất khẩu châu Âu trước đây chỉ được bán có mấy chục nghìn một kg, thì hiện nay nhờ chứng nhận hữu cơ giá sản phẩm đã tăng lên 100.000 đồng/kg.

“Trong khi đó, với hướng sản xuất hữu cơ, chi phí canh tác của nông dân cũng sẽ giảm đi, không phải mua thuốc trừ sâu hay phân bón như trước, làm tăng thu nhập của họ lên 150 triệu đồng/ha”, CEO Nguyễn Thị Huyền cho hay.

Nhu cầu thị trường thế giới về gia vị ngày càng tăng nhất là nhu cầu các sản phẩm organic, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững. Theo dự báo của Hiệp hội gia vị thế giới, đến năm 2023, thị trường gia vị thế giới organic sẽ tăng trưởng tối thiểu 4,6% mỗi năm, đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Với triển vọng từ thị trường cùng với những nền tảng về vùng nguyên liệu bền vững, Vinasamex dự kiến sẽ IPO vào năm 2026.

Chia sẻ về lý do IPO tại sự kiện Nhịp cầu đầu tư - Kết nối tinh hoa – Vươn tầm quốc tế ngày 7/4, bà Huyền cho biết mục tiêu của công ty là trở thành doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, gia vị hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam có được sự minh bạch, cũng như trở thành công ty niêm yết để có thể kêu gọi vốn.

“Vinasamex mong muốn tạo sân chơi cho các nhà đầu tư được tham gia vào mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, bên cạnh yếu tố lợi nhuận. Đồng thời, trở thành thương hiệu trong lĩnh vực gia vị và hương liệu hữu cơ đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán”, bà Huyền bày tỏ.

Sau khi lên sàn chứng khoán ở Việt Nam, Vinasamex sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế nhằm khẳng định vị thế và thương hiệu của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản.

Tại sự kiện kết nối đầu tư hôm 7/4, Vinasamex chào bán 15% cổ phần, được định giá chính thức 135 tỷ đồng, tối thiểu 1,5 tỷ đồng/suất. Đây là hoạt động đầu tiên của Vinasamex nhằm khởi động lộ trình IPO năm 2026. Dòng vốn được dành cho các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Bên cạnh một nhà máy chế biến gia vị công suất lớn tại vùng nguyên liệu quế Yên Bái, để mở rộng quy mô sản xuất, Vinasamex dự kiến sẽ đưa thêm 2 nhà máy mới đi vào hoạt động trong vòng 2 năm tới tại Văn Bàn, Lào Cai và Tràng Định, Lạng Sơn, mang đến việc làm cho 300 - 400 lao động thường xuyên và 500 – 700 lao động thời vụ.

Giải thích lý do lựa chọn năm 2026 để IPO, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, 4 năm là lộ trình phù hợp để Vinasamex tiến hành IPO. “Từng bước một, làm đến đâu chúng tôi muốn phải tới đó. Vinasamex sẽ IPO theo cách mới của nước ngoài kết hợp với cơ chế truyền thông Việt Nam để có thể tạo ra sự đột biến”, CEO này cho biết.

“Vinasamex sẽ tiếp tục phát triển thêm những vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến, các mô hình kinh doanh khác dựa trên các nền tảng có sẵn”, Tổng Giám đốc của Vinasamex nhấn mạnh.

Các nhà máy mới của Vinasamex sẽ được triển khai theo lộ trình 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nhà máy Lào Cai (2,2 ha), công suất mỗi năm 2.000 tấn quế tươi, 140 tấn tinh dầu quế.

Giai đoạn 2: Nhà máy Lạng Sơn (1,6 ha), công suất mỗi năm 2.000 tấn quế, 1.000 tấn hoa hồi, 80 tấn tinh dầu hoa hồi, 140 tấn tinh dầu quế.

Giai đoạn 3: Xây nhà máy 10 ha tại Lào Cai với công suất lên tới 10.000 tấn quế/năm.

Đọc tiếp