Xuất khẩu 3 mặt hàng thủy sản chính khởi sắc trong nửa đầu năm

THỦY SẢN Việt nAM
09:16 - 27/07/2022
Xuất khẩu 3 mặt hàng thủy sản chính khởi sắc trong nửa đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm, cá tra và cá ngừ đều tăng trưởng tốt, trong đó cá tra tăng tới 82,4%, cá ngừ tăng 56% và tôm tăng 32%.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2022 giảm 5,3% so với tháng trước nhưng vẫn là tháng thứ tư liên tiếp có trị giá đạt trên 1 tỷ USD.

Tính đến hết quý II/2022 xuất khẩu nhóm này đạt 5,71 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 1,31 tỷ USD, tăng 45,1%; sang Trung Quốc đạt 829 triệu USD, tăng 89,3%; sang Nhật Bản đạt 800 triệu USD, tăng 17,6%; sang EU đạt 686 triệu USD, tăng 41,2%...

Về mặt hàng, tôm, cá tra và cá ngừ vẫn là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt lần lượt 2,3 tỷ USD; 1,4 tỷ USD và 553 triệu USD.

Xuất khẩu tôm chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản

Tôm là mặt hàng thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 40,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm.

Theo chuyên gia VASEP cho biết, thành quả của 6 tháng đầu năm được coi như là nền tảng để ngành tăng tốc, cộng với sự linh hoạt của người nuôi tôm, sách lược thị trường phù hợp của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm nay dự kiến vẫn tăng trưởng ít nhất 10%, đạt khoảng 4,2 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm tháng 6 của Việt Nam đạt gần 416 triệu USD. Như vậy, sau 5 tháng tăng trưởng liên tiếp 2 con số, xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm nhẹ ở mức 1%. Nguyên nhân chủ yếu do trong 5 tháng đầu năm, chi phí cước tàu tăng đã thúc đẩy giá bán tôm tăng, đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục; trong khi đó nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU chững lại, nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước cũng bị hạn chế trong tháng 6.

Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc là 4 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 483 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021; Nhật Bản đạt 333 triệu USD, tăng 15%; EU đạt 378 triệu USD, tăng 48%; Trung Quốc đạt 333%, tăng 84%.

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên tồn kho nhiều, đồng thời chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng trở nên dè dặt. Từ đó, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 6 lần đầu tiên kể từ đầu năm. VASEP dự báo, nhu cầu thị trường Mỹ sẽ tăng nhẹ sau tháng 9 để phục vụ cho nhu cầu của Lễ hội cuối năm.

Trong khi đó, nhu cầu tôm của thị trường Nhật Bản khá ổn định trong nửa đầu năm, bình quân tăng từ 6 – 23%. Chuyên gia VASEP cho biết, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn duy trì ổn định trong các tháng cuối năm. Chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao như tới Mỹ, EU; mức lạm phát tại Nhật Bản cũng thấp hơn so với mức lạm phát đang tăng cao tại Mỹ, EU. Đây được coi là những yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản.

Tại khối thị trường EU, mặc dù chịu ảnh hưởng của cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao nhưng do nhu cầu phục hồi, lạm phát thực phẩm tại EU cao nên các doanh nghiệp Việt tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Theo VASEP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong các tháng của quý 2 năm nay thấp hơn so với các tháng quý 1. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD, nền kinh tế châu Âu cũng phải đối mặt với khủng hoảng từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể chững và dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm.

Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, dù đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau 2 năm thực thi nhưng tình hình xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm sẽ không lạc quan như đầu năm do doanh nghiệp sẽ phải gặp khó khăn và nguồn nguyên liệu.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc tăng trưởng tới 3 con số

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ quý 3/2022, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng thủy sản này dự báo sẽ chậm dần tại một số thị trường.

Các thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất bao gồm Trung Quốc – Hong Kong đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2021; Mỹ đạt 356,4 triệu USD, tăng 111%; khối CPTPP đạt 180 triệu USD, tăng 66,3%.

Tại thị trường Trung Quốc – Hong Kong, tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng trong quý I/2022 thị trường này đạt 452,7 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu cá minh thái từ Nga đạt hơn 250 triệu USD, cá tra và cá thịt trắng từ Việt Nam đạt 125 triệu USD.

Trong tháng 6/2022, phía Trung Quốc đã 4 lần thông báo hạn chế nhập khẩu thủy sản Nga do có virus Sar-COV-2 trên bao bì, tác động lên lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Nga của Trung Quốc.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc - Hong Kong cũng lên tới 185 đơn vị.

Tại thị trường Mỹ, theo VASEP, tháng 6/2022, giá thực phẩm tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trung bình năm lớn nhất kể từ năm 1981. Theo dữ liệu mới từ IRI và 210 Analytics, giá cá tra tại Mỹ cũng tăng khoảng 22%. Tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích, doanh số bán thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng, nhưng không nghiêm trọng bằng doanh số bán hàng tươi sống. Kho hàng thủy sản nhập khẩu Mỹ vẫn còn đầy. Do đó, VASEP dự báo, có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước.

Trong khi đó, tại khối CPTPP, Mexico là thị trường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam lớn nhất, đạt 62,4 triệu USD, tăng 68,5%. Với kết quả này, giá trị XK cá tra sang Mexico đã vượt qua Thái Lan và Brazil (vốn được đánh giá là hai thị trường tiềm năng hơn).

Xuất khẩu cá ngừ đạt nửa tỷ USD trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 553 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt, trừ EU, Israel và Ai Cập.

Xuất khẩu sang Mỹ đạt trị giá cao nhất, ở mức 300 triệu USD, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 6. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO) thấp, điều này đã ảnh hưởng tới sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt của Mỹ. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao đã đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tăng lên. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu cá ngừ của Mỹ từ các nguồn cung, trong đó có Việt Nam.

Tại khối thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này liên tục sụt giảm trong 3 tháng trở lại đây. Dù vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt 77 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Lạm phát tại EU đã khiến sản phẩm cá ngừ tăng do chi phí hàng hóa cần thiết tăng cao hơn. Đồng USD mạnh có thể khiến các sản phẩm cá ngừ cuối cùng nhập khẩu vào Eu từ các nước như Việt Nam, Ecuador… trở nên đắt đỏ hơn.

Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ 6 tháng đầu năm sang CPTPP đạt 68 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Canada tăng 68%; Nhật Bản tăng 26% và sang Mexico tăng 30%. Riêng Chile, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sau khi chững lại trong tháng 5 đã có dấu hiệu giảm trong tháng 6, giảm 48%. Ngoài ba thị trường xuất khẩu lớn trên, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang Arab Saudi, Thái Lan, Philippines hay Nga vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị xuất khẩu sang Arab Saudi đạt 1,2 triệu USD, sang Thái Lan tăng 59%; Philippines tăng 86%...

VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ nửa cuối năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. Kim ngạch XK cá ngừ cả năm 2022 dự kiến sẽ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2021.

Đọc tiếp