Xuất khẩu cao su 2021 đạt giá trị kỷ lục trong 10 năm

XNK Việt nAM
08:10 - 31/01/2022
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 xuất khẩu cao su đạt giá trị hơn 3,2 tỷ USD, vượt mức cao nhất kể từ năm 2011. Trước tín hiệu lạc quan này, ngành cao su đang đặt ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ vào năm 2022.

Kỷ lục của ngành xuất khẩu cao su

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020. Xuất khẩu cao su trong năm 2021 đã lập một kỷ lục mới về trị giá trong lịch sử ngành cao su Việt Nam.

Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su tự nhiên, đồng thời đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu cao su thế giới. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu cao su tăng trưởng cả về lượng và trị giá, trong đó trị giá xuất khẩu đã đạt mức cao nhất 10 năm qua.

Năm 2021, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 88,3% tổng trị giá xuất khẩu, đạt trị giá 2,89 tỷ USD, tăng 34,1% so với năm 2020.

Cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ… Nhìn chung, năm 2021 xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng mạnh.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, đạt 1,39 triệu tấn, trị giá 2,28 tỷ USD. Như vậy, so với năm 2020 xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đã tăng 2,5% về lượng và tăng 24,9% về trị giá. Đồng thời, thị trường này chiếm 71,4% về lượng và chiếm 69,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước năm 2021.

Về chủng loại xuất khẩu, xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng so với năm 2020. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 62,3% tổng trị giá cao su xuất khẩu của cả nước. Lượng xuất khẩu đạt trên 1,22 triệu tấn, trị giá 2,04 tỷ USD, tăng 7% về lượng và tăng 30,1% về trị giá so với năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,5% về lượng và chiếm 99,4% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước, với 1,22 triệu tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2020.

Về giá xuất khẩu, bình quân các chủng loại cao su đều có xu hướng tăng so với năm 2020.

Dự báo trong năm 2022, tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục có những thuận lợi. Nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tiếp tục tăng. Việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp.

Trước tình hình lạc quan này, các Bộ ngành đã ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022.

Giá cao su tăng nhẹ tháng đầu năm 2022

Theo Báo của của Bộ Công thương, trong tháng 1/2022 giá cao su trong nước có xu hướng tăng nhẹ. Trong đó, giá mủ cao su tiểu điền được các thương lái mua dao động quanh mức 290 – 350 đồng/độ TSC.

Tại Bình Phước giá thu mua mủ nước của Công ty cao su Phú Riềng dao động ở mức 300- 340 đồng/độ TSC. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348 -350 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 323 đồng/độ TSC.

Về thị trường thế giới, trong tháng 1/2022 giá cao su tự nhiên tại các sàn giao dịch châu Á có nhiều biến động. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá lên mức cao nhất tháng vào ngày 19/01/2022 (ở mức 238,4 Yên/kg), sau đó giảm trở lại, nhưng vẫn tăng so với cuối năm 2021.

Ngày 26/1/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 01/2022 giao dịch ở mức 223,7 Yên/kg (tương đương 1,96 USD/kg), tăng 0,4% so với cuối tháng 12/2021, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 19/01/2022 (ở mức 14.925 NDT/tấn), sau đó giảm mạnh. Ngày 26/01/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 01/2022 ở mức 14.220 NDT/tấn (tương đương 2,25 USD/kg), giảm 2% so với cuối tháng 12/2021, nhưng tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các nhà đầu tư tại Thượng Hải đang lo ngại nhu cầu cao su Trung Quốc sẽ chậm lại vì Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nước này.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần do giá tại Thượng Hải giảm và cổ phiếu toàn cầu giảm trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Nga và các nước phương Tây.

Trong khi đó, lo ngại về sản lượng ô tô giảm bởi đại dịch lây lan mạnh cũng gây áp lực thị trường. Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ cho thấy, doanh số bán ô tô tiếp tục giảm trong tháng 12/2021, với doanh số bán xe du lịch giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2020 và doanh số xe hai bánh giảm gần 11%.

Về xu hướng giá cao su trong thời gian tới, nhiều dự báo cho biết quý I/2022 sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do cầu tăng mà cung giảm.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2022 – 2021 cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung giảm dần. Vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp