Xuất khẩu cao su 2021 quay về mốc trên 3 tỷ USD sau 10 năm

Cao su Việt nAM
14:02 - 12/01/2022
Đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022.
Đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Tuy 2021 là một năm đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng nhờ giá cao su thế giới tăng cao ngành cao su Việt Nam vẫn thu được kết quả lãi lớn, xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 12/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 270 nghìn tấn, trị giá 464 triệu USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với tháng 11/2021 và tăng 19,4% về lượng và 28,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su cả năm 2021 đã ghi nhận việc trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Từ năm 2011, do giá cao su xuất khẩu tăng cao kỷ lục, xuất khẩu cao su đã lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD khi đạt hơn 3,2 tỷ USD. Những năm tiếp sau đó, do giá cao su quay đầu giảm mạnh, xuất khẩu cao su đã mất mốc 3 tỷ USD, thậm chí có những năm xuống dưới 2 tỷ USD.

Đến năm 2021, nhờ giá cao su xuất khẩu tăng mạnh trở lại, xuất khẩu cao su cả năm ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020, chính thức quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm.

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, bên cạnh việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của xuất khẩu cao su trong năm 2021 còn đến từ việc cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam. Trong năm 2021, xuất khẩu cao su sang thị trường này vẫn ổn định. Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021 chiếm 16,7%, tăng mạnh so với mức 14,9% của 10 tháng năm 2020.

Ngoài việc xuất khẩu ổn định sang thị trường Trung Quốc, xuất khẩu cao su trong năm 2021 tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng 96,4% về lượng và 153,6% về trị giá; sang Hàn Quốc tăng 57,8% về lượng và 95,2% về trị giá; sang Hoa Kỳ tăng 80,5% về lượng và 130% về trị giá.

Đáng chú ý, trong 11 tháng 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang EU đạt khoảng 100 nghìn tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng mạnh 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số các thị trường thành viên EU, cao su Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước gồm Đức tăng 79% về lượng và 129,7% về trị giá, sang Italy (đạt 25 triệu USD), Tây Ban Nha (đạt 22 triệu USD) và Hà Lan (đạt 17 triệu USD).

Nhìn chung, trong 10 thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc chỉ tăng nhẹ về lượng, xuất khẩu sang 9 thị trường khác đều tăng mạnh về lượng. Đây là minh chứng rõ rệt cho thấy cao su Việt Nam đang thâm nhập ngày càng mạnh hơn vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Động lực từ EVFTA, Việt Nam hướng tới xuất khẩu 3,5 tỷ USD năm 2022

EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt, đặc biệt là ngành cao su liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao...

Theo đó, với EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới vì thuế suất đã đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3% - 4,5% trước đây. Băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%. Đây là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su.

Mặt khác, tại thị trường EU, ngành công nghiệp - sản xuất - tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, đặc biệt là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20. Dự báo đà tăng trưởng nối tiếp của mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững tại thị trường này đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn cả từ khía cạnh quản lý và thị trường. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn của FSC.

Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Cao su Việt Nam, cao su là nông sản đầu tiên và duy nhất xây dựng, phát triển thành công Nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ tại 5 thị trường là Đài Loan, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Campuchia.

“Ngành cao su Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển nhưng những thách thức về chất lượng, dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu và cạnh tranh gay gắt đang tác động đến ngành. Vì vậy, ngành cao su Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm và đang hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững”, ông An nhấn mạnh tại Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam.

Hiện nay, giá cao su trên thị trường thế giới đang chịu áp lực bởi các yếu tố ngoài cung cầu, chủ yếu là do yếu tố tâm lý thị trường.

Giá cao su những ngày đầu tháng 1/2021 tăng mạnh toàn châu Á. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 12/1/2022, lúc 9h30, kỳ hạn tháng 6/2022, tăng mạnh lên mức 238,1 JPY/kg, tăng mạnh 1,5 yên, tương đương 0,63%. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 30 CNY, xuống mức 14.655 CNY/tấn, tương đương 0,20%, tuy nhiên vẫn giữ đà tăng so với tháng 12/2021.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng khoảng 194 nghìn tấn. Cùng với việc thế giới thiếu hụt cao su tự nhiên trong năm 2021, giá dầu tăng mạnh trở lại sẽ kéo theo giá cao su khởi sắc, dự báo giá cao su sẽ tăng trở lại đến hết quý I/2022.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, các Bộ ngành đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022. Về xu hướng giá của cao su trong năm 2022, nhiều dự báo cho biết quý I/2021 sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp