Xuất khẩu cao su vào Nga tăng gần 90% về lượng

Cao su Việt nAM
22:42 - 19/06/2022
Xuất khẩu cao su vào Nga tăng gần 90% về lượng
0:00 / 0:00
0:00
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang một số thị trường chính ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, trong đó xuất khẩu sang Nga đạt mức tăng trưởng cao nhất, tăng tới 88%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm đạt 599.431 tấn, đạt khoảng 1,05 tỷ USD, tăng lần lượt 8,9% và 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá xuất khẩu, tháng 5/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.707 USD/tấn, giảm 5,5% so với tháng 4/2022 và giảm 1,5% so với tháng 5/2021.

Giá bình quân xuất khẩu cao su các tháng giai đoạn 2020 - 2022. Ảnh: Bộ Công thương

Giá bình quân xuất khẩu cao su các tháng giai đoạn 2020 - 2022. Ảnh: Bộ Công thương

Tháng 5/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 67,2% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 76.751 tấn, trị giá 124,5 triệu USD, tăng 47,2% về lượng và tăng 44,8% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 402.647 tấn cao su, trị giá 686,75 triệu USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 5/2022, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với năm ngoái, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Đức, Pakistan, Nga, Indonesia, Brazil…

Theo Bộ Công thương, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước ổn định. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 305-345 đồng/độ TSC (độ mủ cao su), ổn định so với cuối tháng 5/2022.

Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 340 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 300-310 đồng /độ TSC, ổn định so với cuối tháng 5/2022.

Trên thị trường thế giới, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 6/2022. Sau đó giảm trở lại trước mối lo ngại về lạm phát. Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng lên mức 256 Yên/kg vào ngày 06/6/2022, sau đó giá giảm trở lại nhưng vẫn ở mức cao hơn so với cuối tháng 5/2022.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 tăng lên mức 13.210 NDT/tấn vào ngày 03/6/2022, nhưng sau đó giá giảm trở lại.

Nhu cầu từ Trung Quốc, quốc gia chiếm 42% nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu, dự kiến sẽ tăng lên, do các quy định về Covid-19 ở Thượng Hải được nới lỏng từ ngày 1/6/2022.

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản cũng tăng trưởng nhanh nhất trong 6 tháng vào tháng 5/2022 do tâm lý người tiêu dùng tích cực hơn sau khi các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng. Các công ty ô tô Nhật Bản có thể đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm nay khi họ nâng giá xe và cắt giảm chi phí để giảm thiểu tác động từ lạm phát tăng cao.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, những trận mưa trái mùa liên tục đã làm gián đoạn việc thu hoạch mủ ở bang Kerala (Ấn Độ) kể từ giữa tháng 5/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp