Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt kim ngạch cao nhất trong 10 năm

Giao thương hoa kỳ
07:54 - 17/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, trong 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn nhất, đạt 45,8 tỷ USD. Đây cũng là mức xuất khẩu cao nhất sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm giai đoạn 2013 - 2022.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này là các mặt hàng công nghiệp. Trong đó, xuất khẩu hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt kim ngạch lớn nhất, ở mức 7,6 tỷ USD; tiếp theo là hàng dệt may, đạt 7,5 tỷ USD…

Đối với mặt hàng nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận kim ngạch cao nhất, đạt 4 tỷ USD; tiếp theo là hàng thủy sản đạt 1 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản còn lại như gạo, chè, cao su… đều ghi nhận tăng trưởng khả quan.

Trong tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ giảm mạnh nhất so với các thị trường khác, giảm 15,% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang quốc gia này giảm mạnh, khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của ngành gỗ giảm. Bởi tỷ trọng xuất khẩu tới thị trường này chiếm 55,1% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 5/2022.

Về mặt hàng chè, trong các tháng đầu năm, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu chè xanh từ các thị trường cung cấp chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam và Sri Lanka.

Bộ Công thương dẫn số liệu từ Hiệp hội Chè Hoa Kỳ, cứ 5 người tiêu dùng nước này thì có 4 người uống chè. Năm 2021, thị trường này tiêu thụ khoảng 14,76 tỷ lít chè. Trong đó, khoảng 84% lượng chè được tiêu thụ là chè đen, 15% là chè xanh và 1% còn lại là chè ô long, chè trắng... Thế hệ Millennials (sinh từ năm từ năm 1981 đến 1996) là nhóm tiêu thụ chè lớn nhất tại Hoa Kỳ, chiếm 87% lượng người được khảo sát đều uống chè.

Về mặt hàng cà phê, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, đạt 50.582 tấn, trị giá 124,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang thị trường này ghi nhận giảm trong khi các thị trường nhập khẩu khác đều tăng.

Hiện Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Các hoạt động thương mại thị trường này chiếm tới hơn 80% giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và toàn bộ châu Mỹ.

Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Cụ thể, tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng.

Trong giai đoạn 2013 – 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đã tăng gấp 4 lần, từ 23,8 tỷ USD (năm 2013) lên 96,2 tỷ USD (năm 2021).

Nhìn chung, dư địa phát triển cho quan hệ kinh tế giữa hai nước còn rất lớn. Với quy mô dân số lớn hơn 300 triệu người cùng sức mua lớn, Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường tiềm năng và đang phát triển rất tích cực. Đây hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với sức mua cao. Đồng thời, thị trường này có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô.

Mặt khác, tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt tương đối đông đảo, đây sẽ là khách hàng quan trọng của doanh nghiệp cũng như cầu nối để doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường này.

Khó khăn khi tiến vào thị trường Hoa Kỳ của doanh nghiệp Việt

Bên cạnh những mặt thuận lợi, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ còn gặp không ít khó khăn. Đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ còn thấp. Có nhiều mặt hàng mà doanh nghiệp không thể khai thác được như hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, sắt thép, hàng thủy sản….

Thứ 2, các doanh nghiệp Việt vẫn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phân phối tại các nước sở tại vì các tiêu chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp Việt cũng đang ngày càng phải đối với thách thức lớn hơn về các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa.

Thứ 3, khoảng cách địa lý giữa 2 quốc gia tương đối xa. Điều này tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp cũng như thời gian giao hàng. Từ đó, trực tiếp làm hạn chế việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam (vốn là các mặt chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn).

Mặt khác, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm khi chi phí đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ cao đã đẩy giá thành các mặt hàng lên cao.

Thứ 4, tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, lạm phát cũng đã ảnh hưởng đến “túi tiền” của người tiêu dùng Hoa Kỳ; đến chi phí sản xuất, năng lượng, logistic.

Đứng trước các thách thức trên, theo Ban chỉ đạo 35 của Bộ Công thương, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm. Trong đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thị trường Hoa Kỳ. Qua đó, nắm được sức mua, thị hiếu và tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nghiên cứu, nắm rõ quy định điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Khi có yêu cầu điều tra, cần cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra và phối hợp với Bộ Công thương để nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong trường hợp vụ việc điều tra bị khởi xướng.

Đọc tiếp