Xuất khẩu điều ghi nhận đà giảm 5 tháng đầu năm 2022

Nông Sản Việt nAM
06:26 - 28/06/2022
Xuất khẩu điều ghi nhận đà giảm 5 tháng đầu năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, giảm nhẹ về tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do xuất khẩu sang 2 thị trường chính là Trung Quốc và Hà Lan có sự sụt giảm mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm đạt 202.898 tấn, tương ứng 1,2 tỷ USD, giảm lần lượt 5,7% và 5% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.105 USD/tấn, tăng 2,4% so với tháng 4/2022 nhưng giảm 0,6% so với tháng 5/2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.992 USD/tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá điều xuất khẩu các tháng giai đoạn 2020 - 2022. Ảnh: Bộ Công thương

Giá điều xuất khẩu các tháng giai đoạn 2020 - 2022. Ảnh: Bộ Công thương

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hạt điều số 1 của Việt Nam, đạt 369 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường này lại ghi nhận giảm tới 42%, chỉ đạt 132 triệu USD (năm 2021 đạt 229 triệu USD). Nguyên nhân chính là do Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” khiến các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp điều khó thông quan.

Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều hàng đầu thế giới nhưng cũng đang phải đối mặt với các đối thủ lớn khác, đặc biệt là các nước châu Phi khi họ có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, việc vận chuyển đến các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU nhanh hơn, rẻ hơn.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, đảm bảo chất lượng tốt nhất, giao hàng đúng tiến độ để giữ uy tín và lòng tin của đối tác. Đồng thời, tập trung nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến để nâng giá trị gia tăng và thương hiệu điều Việt Nam.

Vị thế điều Việt đang giảm tại châu Âu

Đối với khối thị trường châu Âu, Hà Lan là thị trường nhập khẩu điều lớn nhất trong khối, đạt 103 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ 2 là thị trường Đức, đạt 46 triệu USD, tăng 3,5%; Italia đạt 23,2 triệu USD, tăng 52%... Đánh giá về ngành điều trong thời gian qua, theo ông Vũ Anh Sơn – tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, giá trị thu lại xuất khẩu điều của Việt Nam đang ghi nhận giảm dần.

Đánh giá về thị hiếu của người châu Âu ở hiện tại và trong tương lai, Tổng thư ký VIANCAS ông Đặng Hoàng Giang nhận định, người châu Âu đặc biệt ưa chuộng mặt hàng hạt điều. Riêng trong năm 2021, khối EU và thị trường Anh đã tiêu thụ khoảng 24% nhân điều xuất khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 867 triệu USD.

Người châu Âu ngày càng chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe khi điều là sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt khi trải qua thời kỳ đại dịch.

Bên cạnh đó, châu Âu cũng ngày càng quan tâm đến việc tìm nguồn protein thay thế cho các sản phẩm từ động vật. Hạt điều có thể thay thế cho các món ăn nhẹ khác như khoai tây chiên... Sản phẩm từ điều cũng ngày càng đa dạng (sữa từ nhân điều, điều phủ socola…)

Theo ông Sơn, có tới 90% điều nhập khẩu vào châu Âu dưới dạng đồ ăn nhẹ như rang muối, 10% còn lại sẽ được dùng làm nguyên liệu cho ngành nghề chế biến thực phẩm. Ngoài ra, loại hạt này được người châu Âu ưa chuộng bởi có hương vị mới lạ so với các loại hạt truyền thống của châu lục này, kích thích sự tìm kiếm trải nghiệm mới của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều Việt Nam vẫn chưa tạo được thương hiệu tại thị trường châu Âu. Nguyên nhân là do doanh nghiệp hiện mới chỉ chú trọng đến bán sỉ, chưa thực sự quan tâm đến giá trị gia tăng của sản phẩm điều.

Ngoài ra, việc hình thành chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến thị phần điều của Việt Nam. Thực tế, giai đoạn 2019 – 2020, thị phần điều của Việt Nam tại Pháp đã giảm từ 61% xuống còn 46%.

Hiện nay, châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để giữ ổn định hạt điều của châu Âu. Điều này sẽ là bất lợi đối với doanh nghiệp điều Việt Nam khi điều Việt chưa chạm đến phân khúc cuối cùng của thị trường này (mặc dù đang “thống trị” về số lượng).

Điều Việt hiện không chỉ có nguy cơ bị các đối thủ bên ngoài như Campuchia “vượt mặt” về số lượng xuất khẩu mà còn bị chính các thị trường trong khối châu Âu bỏ xa về chất lượng.

Hà Lan hiện là thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này lại nhập khẩu điều Việt rồi chế biến, xuất khẩu sang các thị trường trong khối châu Âu khác.

Đọc tiếp