Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Pháp còn nhiều dư địa

XUẤT KHẨU EVFTA
20:49 - 06/12/2021
Sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn gạo/năm
Sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn gạo/năm
0:00 / 0:00
0:00
Pháp là nước nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong khối EU, trung bình mỗi năm 35% tổng số lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU là tới Pháp. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở thị trường này chưa cao.

Đây là những thông tin mà đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp chia sẻ tại phiên tư vấn xuất khẩu gạo sang thị trường Pháp do Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức chiều 06/12.

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang Pháp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, vẫn xuất hiện một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cải thiện. Một trong những nguyên nhân chính là nhờ tận dụng tốt các cam kết giảm thuế quan ngay khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) được thực thi.

Gạo là một trong ba nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp có trị giá tăng trưởng trên 100% so với tháng 01/2020, đạt tăng trưởng 110% trong khi hai mặt hàng còn lại là phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 222%, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày tăng 160%.

Thông tin về dư địa xuất khẩu gạo sang Pháp có tiềm năng lớn, bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng phòng châu Âu, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, gạo tuy không phải thực phẩm chính của thị trường Pháp, nhưng Pháp lại có cộng đồng người Việt và các cộng đồng có thói quen sử dụng gạo nên nhu cầu tiêu thụ gạo của Pháp khá ổn định và có khả năng tăng trưởng.

“Pháp là nước nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong khối EU, theo số liệu thống kê của EU, trung bình mỗi năm có 35% tổng sản lượng gạo Việt Nam được nhập khẩu vào EU là tới thị trường Pháp”, bà Minh nói.

35% tổng số lượng gạo xuất vào EU là tới thị trường Pháp

35% tổng số lượng gạo xuất vào EU là tới thị trường Pháp

Sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn gạo/năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm và đưa thuế gạo thơm về 0% sau 5 năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với ưu đãi thuế quan từ EVFTA mang lại sẽ có khoảng 100.000 tấn gạo xuất khẩu sang Pháp mỗi năm.

Những yếu tố này cho thấy dư địa, tiềm năng xuất khẩu gạo Việt Nam vào Pháp là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng thâm nhập thị trường này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chủng loại, chất lượng, ưu đãi thuế quan, khả năng cạnh tranh với các nước khác…

Ảnh trích xuất từ phiên tư vấn
Ảnh trích xuất từ phiên tư vấn

Theo ông Vũ Anh Sơn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, hiện nay, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Pháp đang được phân phối tập trung chủ yếu ở khu vực cửa hàng tiện ích, một số ít rải rác ở khu vực siêu thị và chưa có mặt ở khu vực đại siêu thị.

Gạo xay xát là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Pháp, được EVFTA cấp hạn ngạch 30.000 tấn/năm nhưng hiện mới khai thác được khoảng 15.000 tấn/năm trong khi Thái Lan và Campuchia đều đã đạt được khoảng 60.000 tấn/năm. Gạo tấm Việt Nam là mặt hàng được tự do hóa hoàn toàn vào thị trường EU nhưng mới chỉ khai thác được một số lượng vô cùng hạn chế khoảng 5.000 tấn/năm nhờ vào EVFTA.

Ảnh tác giả

“Việt Nam còn nhiều dư địa cũng như cơ hội để nâng sản lượng gạo xuất khẩu sang Pháp lên cao. Ngoài vấn đề thuế quan thì sự ổn định của chất lượng gạo chính là yếu tố quan trọng quyết định đến việc gạo Việt Nam chưa vào được hệ thống bán lẻ của Pháp. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào môi trường và văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Ông Vũ Anh Sơn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp

Chuẩn bị “hành trang” tốt cho gạo Việt Nam sang Pháp

Phân tích những khó khăn các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo sang Pháp, ông Đào Hữu Hưng, Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết:

“Nhu cầu nhập khẩu gạo mỗi năm của Pháp vào khoảng 600.000 tấn/năm, tuy nhiên đây là miếng bánh chia ra cho nhiều nước khác nhau: Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ, do đó Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang Pháp”.

Từ tháng 01/2019, EU đã quay trở lại áp thuế quan đối với gạo từ Campuchia và Myanmar trong ba năm (2019, 2020, 2021).

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, đây không phải là thông tin hoàn toàn có lợi cho Việt Nam, bởi thực chất việc áp thuế này nhằm bảo vệ các nhà sản xuất gạo của EU như Italy và thể hiện mong muốn tăng cường các biện pháp bảo hộ đối với các sản phẩm nông nghiệp nội khối, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất nông nghiệp EU.

Một khó khăn nữa mà ông Hưng nhắc đến là thói quen của tiêu dùng bản địa. Do đó, xác định cơ hội hay hạn chế trong tiếp cận thị trường tùy thuộc vào chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam.

“Người Pháp có thiên hướng sử dụng các loại gạo đỏ, gạo Basmati của Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan và các chủng loại gạo này luôn có mặt trên các kệ hàng trong các kênh phân phối lớn của Pháp. Trong khi gạo Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và tạo được thói quen tiêu dùng tại Pháp cùng với giá gạo Việt Nam xuất khẩu có xu hướng cao hơn các nước châu Á là yếu tố gây khó khăn trong cạnh tranh”, ông Hưng phân tích.

Lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về các quy định khắt khe của EU, ông Hưng chỉ ra các tiêu chuẩn được người Pháp đánh giá cao trong kiểm định chất lượng: hệ thống quản lý an toàn thực phẩm như ISO9001, ISO 22000; các nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP).

Nghiêm ngặt hơn có thể kể đến các tiêu chuẩn FSSC 22000 (chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm), quy định EC số 178/2002, ngày 28/01/2002; Luật chung về an toàn thực phẩm đối với tất cả các giai đoạn sản xuất và phân phối; quy định EC số 852/2004 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 29/4/2004 về vệ sinh thực phẩm.

Về quy định kiểm dịch thực vật và sản phẩm từ thực vật từ bên ngoài EU, các doanh nghiệp được khuyến cáo lưu ý tới đạo luật mới về Sức khỏe thực vật 2016 của EU, được ban hành để thay thế Chỉ thị 2000/29/EC và có hiệu lực từ ngày 14/12/2019 thiết lập nhiều biện pháp kiểm soát hơn với việc nhập khẩu thực vật và sản phẩm từ thực vật.

Chia sẻ kinh nghiệm về cách tiếp cận đối với các doanh nghiệp đối tác trong thị trường Pháp, ông Trần Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Pháp – Việt cho biết, điều mà đối tác Pháp quan tâm đầu tiên là tính minh bạch trong kinh doanh, những thông tin về doanh thu, lợi nhuận sẽ là yếu tố để họ đánh giá tiềm năng của đối tác trong hợp tác làm ăn, sau đó mới đến các chứng chỉ chất lượng sản phẩm.

“Các doanh nghiệp Việt Nam thường dùng hình thức gửi một số lượng để đối tác Pháp dùng thử nhưng bên Pháp họ không có thói quen này, họ nhập là sẽ nhập số lượng lớn và cần nguồn hàng chất lượng, ổn định. Đặc biệt là người Pháp họ rất sợ gạo có thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng về chất lượng sản phẩm, đó sẽ là những “hành trang” cho gạo Việt Nam sang Pháp”, ông Nam chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp