Xuất khẩu nông sản sang Australia tăng cao đầu năm 2022

Giao thương Australia
07:30 - 07/06/2022
Xuất khẩu nông sản sang Australia tăng cao đầu năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản sang Australia tăng trường hơn 53% trong 4 tháng đầu năm 2022, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Australia hầu như đều tăng trưởng dương. 

Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia đạt 1,8 tỷ USD. Trong đó đối với hàng nông sản, cà phê có sự tăng trưởng coa nhất, tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 17,9 triệu USD. Tiếp theo là hàng thủy sản tăng 53,3%, hạt điều tăng 36%, rau quả tăng 22,75%.

Với mặt hàng thủy sản, tôm và cá các loại là các chủng loại thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Australia. Các tháng đầu năm 2022, cơ cấu chủng loại thủy sản xuất khẩu sang thị trường Australia có thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu tôm trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu cá tra và cá chẽm giảm.

Xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 95 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được ghi nhận là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đó, đồng thời Việt Nam cũng là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Australia trong 4 tháng đầu năm.

Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Australia bao gồm tôm chân trắng luộc, bỏ đầu, bỏ đuôi đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu bỏ đuôi PD tười đông lạnh… Australia hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt năm 2021.

Về giá, nhìn chung tôm Việt có giá thành cao hơn các nước cạnh tranh. Cụ thể, giá nhập khẩu tôm Việt của Australia trong quý I/2022 là 11 USD/kg, Thái Lan là 9,25 USD/kg, Trung Quốc là 9,83 USD/kg.

Cục Xuất khẩu nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nhờ mức thuế quan ưu đãi từ các FTA, đặc biệt là từ Hiệp định RCEP (Việt Nam và Australia đều là thành viên của hiệp định này). Hiệp định RCEP có hiệu lực từ 1/1/2022 đã nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Mặt hàng gạo sau các đợt xúc tiến mạnh mẽ trong năm 2021 như các sự kiện quảng bá, mời dùng thử gạo Việt Nam tại một số bang lớn của Australia, đã tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh xứ sở chuột túi giảm nhập khẩu gạo từ thế giới. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo sang Australia đạt 12.517 tấn, đạt 8,2 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp thế mạnh khác của Việt Nam như sắt thép các loại tăng hơn 478%; cao su, dây cáp điện, máy vi tính và linh kiện cũng đều tăng.

Ở chiều ngược lại, Australia là thị trường cung cấp các mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu như than đá, quặng sắt, kim loại, bông, lúa mỳ, thức ăn gia súc.

Hiện Việt Nam và Australia có chung ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

Với tiềm năng và sự bổ sung hợp lý từ cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia. Ngược lại, Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam, so với năm 2020 đã tăng hơn 1 bậc.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Australia lần đầu tiên vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD, tăng hơn 49% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Australia đạt hơn 4,45 tỷ USD, tăng hơn 23%. Việt Nam nhập khẩu từ Australia khoảng 8 tỷ USD hàng hóa, tăng khoảng 70%.

Trong năm 2021, Australia đã đầu tư khoảng 550 dự án vào Việt Nam với tổng trị giá đạt gần 2 tỷ USD. Đây là quốc gia có vốn FDI lớn thứ 19 tại Việt Nam.

Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa tổ chức sự kiện “Viet Nam – Australia Business connect” nhằm kêu gọi doanh nghiệp Australia tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ông Graham Kinder, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Australia - Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Australia nhận thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm từ thương mại đầu tư phát triển cho đến giáo dục, du lịch, giao thông vận tải…

Những lĩnh vực này là thế mạnh của Australia. Do đó, các doanh nghiệp xứ chuột túi luôn mong muốn có thể mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng những cơ hội hợp tác đầu tư trên tất cả các khu vực, bang và địa phương của Australia để mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư mà phía Việt Nam có ưu thế

Cũng trong năm vừa qua, Việt Nam và Australia đã hoàn tất ký kết Chiến lược Tăng cường Gắn kết Kinh tế, nhằm hỗ trợ tham vọng chung là đưa hai nước trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Với tiềm năng và sự bổ sung hợp lý từ cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu, dự kiến thương mại giữa Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới, đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức cao kỷ lục mới.

Đọc tiếp