Xuất khẩu nông sản sang Nga có thể phải tạm dừng

XUẤT KHẨU NGA
14:31 - 04/03/2022
Bộ NN&PTNT nhận định: Việt Nam chịu các tác động xấu về kinh tế do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: TTXVN
Bộ NN&PTNT nhận định: Việt Nam chịu các tác động xấu về kinh tế do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột tại Ukraine với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đang tác động tiêu cực, khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nga có thể phải tạm dừng. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn xuất hàng cầm chừng để giữ thị trường Nga.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có những đánh giá về tác động của chiến sự Nga - Ukraine đến tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang 2 thị trường Nga, Ukraine.

Bộ NN&PTNT nhận định, Việt Nam cũng không nằm ngoài các tác động xấu về kinh tế do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho các xuất và nhập khẩu.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, khi căng thẳng xảy ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga hàng năm đạt khoảng 500 triệu USD, năm 2021 là 550 triệu USD. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu đáng kể như thủy sản đạt 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, tiêu và điều khoảng 60 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, năm 2021 Việt Nam chi 500 triệu USD nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản từ Nga và Ukraine. Trong đó, Việt Nam nhập nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ khoảng 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ; ngô làm thức ăn chăn nuôi; phân bón.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang các tìm nhà cung ứng từ các nước Australia, Nam Mỹ, Nam Phi.

Trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine cũng đang làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Cụ thể, giá lúa mỳ, ngô... đã tăng lên khoảng 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Duy trì xuất khẩu cầm chừng với các khách hàng lâu năm

Chia sẻ với MEKONG ASEAN về hướng khắc phục trước tình hình thị trường Nga khó khăn, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) thông tin, đối với khách hàng lâu năm, các doanh nghiệp Việt cũng khó từ chối dù thị trường đang phức tạp.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chuẩn bị hàng từ trước, giờ bán nội địa không phải là phương án giải quyết hiệu quả. Hàng rau quả cũng không thể bán sang thị trường khác do mỗi thị trường tiêu thụ có tiêu chuẩn và quy cách đóng gói, mẫu mã khác nhau. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trong hiệp hội vẫn sẽ xuất hàng với số lượng cầm chừng để giữ mối”, ông Nguyên cho hay.

Tổng thư ký VINAFRUIT cho biết, theo nguyên tắc thương mại từ trước đến nay, đa số các đối tác Nga thường đặt cọc trước 10 – 20%, sau khi nhận đủ hàng sẽ thanh toán đủ cho phía doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Nga đã nhận đủ hàng nhưng mới chỉ chuyển khoản được cọc 20% từ trước đó 1 tháng, do phương thức thanh toán gặp khó khăn.

Đây cũng là mối băn khoăn lo lắng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng về khả năng thu hồi vốn khi làm ăn với Nga trong thời điểm này.

Với kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Nga năm 2021 đạt 16,6 triệu USD, ông Nguyên phản ánh, các doanh nghiệp chỉ dừng giao dịch với những đối tác mới, chứ không thể bỏ ngỏ thị trường Nga hoàn toàn trong lúc này bởi yêu cầu giữ mối hợp tác lâu năm.

Ảnh tác giả

"Tuy giá dầu thô tăng cao đang đẩy giá logistics lên cao, các doanh nghiệp vẫn có thể cân đối được để hy sinh lợi ích trước mắt giữ vững thị trường lâu dài. Còn khách hàng, còn quan hệ, còn thị trường thì sẽ còn phát triển”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT)

Đánh giá tác động của xung đột Nga – Ukraine, ông Nguyên cho rằng, đây cũng sẽ là một trong những yếu tố tiêu cực tác động làm giảm mục tiêu xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm 2022.

Với việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn chưa giải quyết được triệt để ùn tắc, thị trường EU, Mỹ cũng đang chịu chung logistics tăng cao gây ảnh hưởng đến lợi nhuận các lô hàng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyên cho rằng mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD rau quả trong năm 2022 có thể phải hạ xuống 3,5 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.