Xuất khẩu sang Hoa Kỳ quý I tăng 16%, 6 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD

Thương Mại Việt nAM
07:28 - 12/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 3 đạt 9,7 tỷ USD, trong đó nông sản đạt hơn 1,3 tỷ USD. Một số mặt hàng nông sản ghi nhận tăng trưởng dương nhưng lại giảm thị phần tại thị trường này.

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2022, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 29,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 22,5 tỷ USD. Đây cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Việt Nam trong quý I/2022.

Riêng tháng 3/2022, kim ngạch song phương đạt 10,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 3/2022, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, các mặt hàng chủ lực, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác có mức cao nhất, đạt 1,5 tỷ USD.

Đứng thứ 2 là hàng dệt may, đạt 1,4 tỷ USD, đứng thứ 3 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,28 tỷ USD…

Tính chung 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 4,3 tỷ USD. Đứng thứ 2 là hàng dệt may đạt 4,3 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,3 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện các loại đạt 2,8 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD; giày dép các loại đạt 2,2 tỷ USD…

Về mặt hàng nông sản, hàng thủy sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 574 triệu USD; hạt điều đạt 199 triệu USD; hàng rau quả đạt 61 triệu USD; hạt tiêu đạt 74 triệu USD…

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu điều sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 32,2% tổng tỷ trọng xuất khẩu điều.

Tuy nhiên, thị phần hạt điều tại Hoa Kỳ của Việt Nam đang dần bị thu hẹp lại. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 90,8% trong tháng 1/2021 xuống còn 87,2% trong tháng 1/2022.

Trong khi các nước cạnh tranh lại tăng thị phần tại Hoa Kỳ tăng, cụ thể Bờ Biển Ngà và Nigeria tăng lần lượt 1,83% và 0,24% trong tổng nhập khẩu của quốc gia này.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta sang thị trường Hoa Kỳ ghi nhận giảm. Thực tế, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cà phê sang thị trường này đã có dấu hiệu giảm trong khi các đối thủ cạnh tranh lại tăng thị phần tại Hoa Kỳ.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, năm 2021 nhập khẩu cà phê của nước này từ Brazil tăng 3,2% về lượng; Colombia tăng 0,5%. Trong khi đó, Việt Nam lại giảm 9%. Nguyên nhân chủ yếu từ việc sản phẩm cà phê chủ yếu là dạng thô, việc truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế. Điều này giờ không còn “phù hợp” với yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ.

Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ dự báo vẫn đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng vẫn còn chịu áp lực lớn từ chi phí logistics. Một container đi Hoa Kỳ hiện dao động ở mức 10.000 – 12.000 USD. Có những đơn hàng, di chuyển từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Hoa Kỳ mất tới 25.000 USD cho một chuyến container.

Trong 3 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 29% tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, tháng 3/2022, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản phẩm nhập nhiều nhất của Việt Nam là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 357 triệu USD. Đứng thứ 2 là bông các loại đạt 139 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 76 triệu USD…

Nhìn chung, trong tháng 3/2022, nhập khẩu hàng nông sản vào Hoa Kỳ đều giảm. Đặc biệt, lúa mì giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể xuất phát từ việc nguồn cung lúa mì từ Nga bị ngừng (vốn là một trong những thị trường xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới) do xung đột Nga – Ukraine. Từ đó, khiến các nhà phân phối lúa mì từ Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu.

Tính chung 3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 3,4 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam, chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp. Bao gồm sản phẩm từ kim loại thường khác đạt 992 triệu USD; sản phẩm từ giấy đạt 272 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 160 triệu USD…

Về mặt hàng nông sản, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ chủ yếu là các nông sản nguyên liệu như lúa mì, đậu tương. Ngoài ra còn có các sản phẩm về sữa, hàng rau quả. Riêng với mặt hàng thủy sản, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này đạt 9,5 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 3 tháng đầu năm, thị trường Hoa Kỳ chiếm 3,9% tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ thương mại hai chiều với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… năm 2022 được kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ vượt 700 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp