Xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD tháng thứ 2 liên tiếp

THỦY SẢN Việt nAM
14:47 - 01/06/2022
Xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD tháng thứ 2 liên tiếp
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu thủy sản trong tháng 5/2022 đạt 1,1 tỷ USD. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu ghi nhận trên 1 tỷ USD trong năm nay.

Theo số liệu từ báo cáo của Tổng cục thống kê, tháng 5/2022, sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt 756.900 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, cá đạt 544.000 tấn, tôm đạt 98.300 tấn, thủy sản khác đạt 114.600 tấn.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 3,3 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước do nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực, nhất là các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm thẻ chân trắng có sản lượng tăng cao liên tiếp từ tháng 3/2022.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 5/2022 ở mốc 1 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận mức xuất khẩu kỷ lục trong tháng 4/2022, đạt 1,1 tỷ USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 4,6 tỷ USD, tăng 42%.

Trong tháng 5/2022, xuất khẩu cá ngừ vẫn giữ được tăng trưởng cao, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 93 triệu USD. Tính chung lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 461 triệu USD, tăng 58%.

Xuất khẩu các mặt hàng hải sản như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ, tuy vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng đều thấp hơn so với tháng 4.

Xuất khẩu tôm tháng 5 chững lại

Xuất khẩu thủy sản tháng 5/2022 có sự chững lại so với tháng trước chủ yếu do xuất khẩu tôm. Theo VASEP, trong tháng 5, xuất khẩu tôm đạt 416 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 5 ước tính đạt 57.500 tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 22.200 nghìn tấn, giảm 0,4%.

Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2022 tăng đột biến do có nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021. Nhiều doanh nghiệp cũng đã ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh đại dịch đang ở thời điểm căng thẳng. Ngoài ra, tình trạng lạm phát toàn cầu cũng tác động giá tôm tăng; sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU…

Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi. Mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, điều này đã ảnh hưởng đến sản lượng tôm. Do vậy, nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm.

VASEP dự báo, trong vài tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, xuất khẩu tôm quý II dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý I/2022.

Về giá tôm trong nước, giá tôm nguyên liệu trong tháng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long ổn định so với tháng trước. Tôm thẻ chân trắng đang bước vào vụ thu hoạch, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh hai giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao phát triển tích cực đã mang tới hiệu quả kinh tế cao.

Xuất khẩu cá tra gặp thế khó khi xuất sang Trung Quốc

Xuất khẩu cá tra trong tháng 5 tăng 65%, đạt 245 triệu USD, tăng trưởng thấp hơn so với tháng 4. Tuy nhiên, tính chung lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng, gần 90%, đạt 1,2 tỷ USD.

Tính tới trung tuần tháng 5/2022, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giữ mức giá ổn định so với trước dịp lễ 30/4. Sản lượng cá tra trong tháng 5 đạt mức 134.100 tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, lạm phát giá thực phẩm và thủy sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh, nhất là thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến trong nước cạnh tranh tốt. Bên cạnh đó, mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng khi nguồn cung của phân khúc này bị thiếu hụt do xung đột Nga – Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cá tra đang lo lắng khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì quy định kiểm tra chặt dấu vết covid trên thủy sản nhập khẩu. Trung Quốc quy định, cứ mỗi container hàng kiểm tra, phát hiện nhiễm covid thì doanh nghiệp sẽ phải tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này một tuần. Đã có một số doanh nghiệp bị trả hàng về và bị tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này vì lý do covid.

Phía Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến tại các doanh nghiệp xuất khẩu. Họ yêu cầu công nhân, bảo vệ phải mặc đồ bảo hộ, công nhân làm việc phải đứng cách nhau 1 m và chất thải (khẩu trang, đồ bảo hộ) phải có hợp đồng xử lý.

Các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu… đã mở cửa trở lại, nhưng chính sách “Zero Covid” vẫn còn là trở lại lớn đối với doanh nghiệp cá tra của Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp