Xuất nhập khẩu Bình Thạnh dự kiến trả cổ tức 10% bằng tiền mặt

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:26 - 07/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 6/6, tại sàn HSX, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã chứng khoán GIL) đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu tụt giảm so với 2021, dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, trả cổ tức tỷ lệ 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu.

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, dự kiến tổ chức ngày 26/6 tới đây.

Theo đó, năm 2022 Gilimex đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 250 tỷ đồng, giảm 24,4% so với thực hiện cùng kỳ. Tỷ lệ cổ tức năm nay dự kiến trong khoảng 15% đến 30%.

So sánh với năm 2021, đơn vị ghi nhận doanh thu đạt 4.150,3 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 6,9% lên 330,6 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận năm trước, Gilimex dự kiến sẽ trả cổ tức tổng tỷ lệ 25%, với 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu.

Kế hoạch doanh thu sụt giảm do trong năm 2022, GIL dự kiến sẽ sử dụng 3,500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, trong đó 1,500 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, 2,000 tỷ đồng được huy động thông qua vay ngân hàng để tài trợ vốn cho các hoạt động của Công ty.

Về kế hoạch phát hành trái phiếu, HĐQT đề xuất phát hành thông qua đại lý 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi. Số trái phiếu này sẽ được chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp, và bị hạn chế giao dịch trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Mục đích phát hành là để bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh trung và dài hạn.

Trái phiếu có kỳ hạn từ tối thiểu 1 năm đến tối đa 5 năm kể từ ngày phát hành. Lãi suất trái phiếu sẽ dựa trên lãi suất thị trường vào thời điểm phát hành, căn cứ vào thỏa thuận với nhà đầu tư. Thời điểm trả lãi sẽ được HĐQT quyết định và thỏa thuận với nhà đầu tư.

Trong quý I, GIL ghi nhận doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 64%, lên 1.416,9 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng tăng 68% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 245,15 tỷ đồng, tăng 46%.

Trong đó, doanh thu tài chính tại công ty tăng 159% tương đương với 37,15 tỷ đồng chủ yếu do lãi bán cổ phiếu. Ngoài ra, các chi phí khác cũng đồng loạt tăng như chi phí tài chính tăng 187%, chi phí bán hàng tăng 86% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11%.

Tính đến thời điểm 31/03/2022, tổng tài sản doanh nghiệp ghi nhận hơn 4.030 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 24%, lên hơn 594 tỷ đồng (trong đó, GIL vẫn đang sở hữu hơn 2,3 triệu cổ phiếu GMC với giá trị hơn 61 tỷ đồng và một số cổ phiếu khác). Hàng tồn kho cũng tăng nhẹ lên 752 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ phải trả tăng 7%, lên 2.235,8 tỷ đồng; riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 694 tỷ đồng và 76 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận sau thuế tại GIL đạt 107,1 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp